Gần 5 năm nay, nghệ sĩ Điền Trung mới có dịp diễn một vở cải lương nguyên tuồng. Dù rằng, diễn nguyên tuồng rất khó, đòi hỏi người nghệ sĩ phải có thêm nhiều kĩ năng khác ngoài ca.
Vở cải lương Trung thần cũng mở đầu cho 12 vở diễn tiếp theo nằm trong dự án Tôi yêu cải lương với định kỳ 2 tháng một lần, mỗi vở 4 suất diễn. Tôi yêu cải lương là dự án do hội sân khấu TP.HCM kết hợp với sân khấu kịch Ideacaf, nhằm đưa cải lương về lại giá trị nguyên bản, khi sân khấu chỉ biểu diễn cải lương nguyên tuồng, nghệ sĩ hát bằng giọng thật và nhạc đêm là nhạc cụ 6 dây được đàn ngay trên sân khấu.
Từ 4 tháng nay, mỗi tháng, sân khấu Lê Hoàng đều đặn mang đến một vở cải lương tuồng cổ. Nhà hát Trần Hữu Trang cũng vừa phúc khảo vở tuồng cổ Mộng Hoa Vương, dự kiến sẽ ra mắt khán giả trong tháng 9 này.
Thay vì trước kia, nghệ sĩ phải đi tỉnh để tìm khán giả, nơi biểu diễn tại TP.HCM là vùng ngoại thành: Quận 6, Quận 8, Hóoc Môn, thì nay, cải lương đã vào trung tâm thành phố với 2 sân khấu mới ra đời ngay ở quận 1 và nhà hát Bến Thành.
Như vậy, cải lương thành phố, thay vì như trước đây, chỉ biểu diễn thức thời, không thường xuyên, khán giả muốn xem phải trông chờ vào các vở đi thi mang ra biểu diễn miễn phí cho khán giả rồi thôi, thì nay, khán giả đã có sự lựa chọn.
Nhiều vở diễn ra đời, nhiều sân khấu cải lượng mới, trong khi khán giả cải lương lại cực kì kén, vì thế, các sân khấu phải cạnh tranh về chất lượng để hút khán giả, giữ chân khán giả.
Suốt một thời kỳ dài khó khăn của cải lương, nghệ sĩ không có đất diễn, họ luôn đau đáu với nỗi buồn khán giả quay lưng với cải lương. Đến nay đã có sân khấu, nhiệm vụ của người nghệ sĩ chính là lấy lại khán giả. Vì thế, khi được trở lại với thánh đường nghệ thuật, những người nghệ sĩ cải lương họ chọn cống hiến hết mình, sẵn sàng diễn không vì mục đích lợi nhuận, với mong muốn, để khán giả yêu cải lương trở lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!