Thủ tướng Nhật Bản đã công bố các biện pháp mới có hiệu lực từ ngày 11/7, theo đó hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc những vật liệu chính mà nước này sử dụng để chế tạo các sản phẩm công nghệ. Đáp lại, phía Hàn Quốc ngay sau đó đã kêu gọi tẩy chay hàng hóa từ Nhật Bản như ô tô, bia, mỹ phẩm.
Một kiến nghị trực tuyến kêu gọi tẩy chay hàng Nhật Bản đăng trên trang web của Nhà Xanh đã thu hút 17.000 người ủng hộ chỉ trong 4 ngày.
Căng thẳng hiện nay giữa Nhật Bản và Hàn Quốc gia tăng sau khi tòa án Hàn Quốc ra phán quyết cho phép các nạn nhân bị lao động cưỡng bức thời kỳ chiến tranh có thể kiện các công ty Nhật Bản đòi bồi thường. Tuy nhiên, Nhật Bản khẳng định các vụ kiện như vậy đã được giải quyết trong một hiệp định được 2 nước ký vào năm 1965. Tokyo quan ngại những vụ kiện kiểu này sẽ lan rộng từ Hàn Quốc.
Trong các cuộc thăm dò mới nhất, gần 7 trong số 10 người Hàn Quốc được hỏi cho biết sẽ tham gia làn sóng tẩy chay hàng hóa Nhật Bản và các công ty Nhật Bản như Toyota, Uniqlo, Kirin, Panasonic, Honda.
Làn sóng tẩy chay còn làm tổn thương tới ngành du lịch Nhật Bản, vốn đang phát triển với lợi nhuận thu được từ khách du lịch Hàn Quốc năm 2018 là 5,5 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!