Một đoạn video ghi lại cuộc nói chuyện trực tiếp của một giáo sư về vấn đề phế truất Tổng thống Hàn Quốc trên kênh BBC đang gây sốt trên mạng xã hội, với tình huống có 2 em bé bất ngờ xuất hiện, làm gián đoạn bài phỏng vấn của cha mình.
Thế nhưng từ đoạn video này, những bình luận của khán giả lại tình cờ làm dấy lên một cuộc tranh luận không mấy thoải mái, về định kiến đối với những người gốc Á và người châu Á. Trong video cũng xuất hiện một người phụ nữ châu Á, hớt hải lao vào phòng và vội vàng kéo cả hai em bé ra ngoài, cố gắng khom lưng để tránh máy quay.
Nhiều người cho rằng đây là một cô giúp việc hay bảo mẫu, và cô ấy có vẻ sợ hãi và lo ngại về công việc của mình khi không thể trông coi 2 bé kỹ càng hơn. Thế nhưng, đây không phải người giúp việc hay bảo mẫu, bà Kim Jung-A chính là vợ giáo sư Kelly Robert, mẹ của 2 đứa trẻ.
Theo nhiều báo phân tích, nguyên nhân là bởi hình mẫu một người phụ nữ châu Á luộm thuộm, với dáng vẻ thiếu tự tin như vậy, thường được người da trắng mặc định nhìn nhận với vai trò giúp việc hoặc bảo mẫu.
Tại sao lại có một định kiến như vậy? Có lẽ một nguyên nhân lớn chính là từ điện ảnh. Rất nhiều người lớn lên xem các bộ phim Hollywood, mà trong đó các nhân vật châu Á thường bị miêu tả là kiểu nhút nhát, hoặc tính tình khó ưa. Không chỉ thế, các diễn viên châu Á, hoặc gốc Á chỉ được nhận những vai diễn phụ.
Theo thống kê, chỉ có 1% các vai diễn chính tại Hollywood được giao cho diễn viên người châu Á. Thậm chí, đôi khi, những vai diễn được miêu tả là dành cho người châu Á nhưng vẫn do diễn viên da trắng thể hiện.
Hệ quả của những định kiến không chỉ dừng lại ở cái cách mà người ta nhìn nhận lẫn nhau, mà thậm chí còn gây ra tình trạng bạo lực nhắm vào người gốc Á hoặc người châu Á tại một số nước phương Tây. Như tại Pháp, trong một vài năm trở lại đây, người nhập cư châu Á thường trở thành mục tiêu tấn công của các băng nhóm tội phạm.
Cũng theo số liệu từ Bộ Giáo dục Mỹ, dù số lượng học sinh gốc châu Á đủ tiêu chuẩn vẫn liên tục tăng, nhưng suốt từ năm 1994 đến nay, số người được tuyển vào 2 trường Đại học hàng đầu là Brown và Yale hầu như không thay đổi.
Điều này đã làm dấy lên những lo ngại cho rằng, các trường đại học tại Mỹ đang cố tình tạo ra những rào cản lớn hơn và khắt khe hơn, với chính cộng đồng được đánh giá là học tập tốt nhất tại đất nước này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!