Mốc xanh, mốc vàng, đáng lẽ loại dược liệu này là thứ phải bỏ đi, không thể sử dụng để chữa bệnh nhưng không biết vì vô tình hay cố ý mà doanh nghiệp vẫn nhập về thị trường trong nước để tiêu thụ. Nếu không bị cơ quan chức năng tiến hành lấy mẫu giám sát tại cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn, lô dược liệu hư hỏng này đã được thông quan trót lọt.
Theo kết quả kiểm nghiệm, trong tổng số 68 mẫu dược liệu lấy từ lô hàng do Công ty Cổ phần Dược Nam Yên nhập khẩu, có tới 18 mẫu không đạt chất lượng, chiếm tỷ lệ hơn 26%.
Ngoài nấm mốc, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội còn phát hiện hàng loạt mẫu dược liệu khác trong lô hàng này không đạt chất chiết, đồng nghĩa dược liệu đã bị rút tinh chất, chỉ còn lại là rác thuốc không đảm bảo chất lượng. Trong đó, nhiều loại dược liệu quý có giá trị như phòng phong, khương hoạt, ngưu tất… với giá bán trên thị trường trên dưới 1 triệu đồng/1kg.
Dù đây mới chỉ là kết quả kiểm nghiệm đối với lô hàng dược liệu nhập khẩu của một công ty nhưng là bằng chứng không thể chối cãi rằng dược liệu rác đã về thị trường Việt Nam bằng cả con đường chính ngạch chứ không chỉ là qua các đường dây buôn lậu.
Kết quả nhiều cuộc kiểm tra gần đây đều cho thấy, nhiều dược liệu bị làm giả hoặc trộn lẫn hóa dược. Nhiều dược liệu đã bị chiết tách hết thành phần thuốc, chỉ còn lại là bã thuốc. Theo kết quả kiểm nghiệm 400 mẫu dược liệu của Viện Kiểm nghiệm thuốc TƯ cho thấy, 60% mẫu chưa đạt chất lượng. Trong đó, có tới 20% mẫu dược liệu trộn cả rác, cát, xi măng, tạp chất hoặc ướp hóa chất độc hại để chống mốc, nhuộm màu…
Ngoài việc kiểm nghiệm, gần như rất khó để phân biệt đâu là dược liệu chuẩn, đâu là dược liệu rác. Trong khi thị trường vẫn tràn lan dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được kiểm soát chất lượng nên nếu xảy ra hậu quả, người bệnh sẽ phải tự gánh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!