Cuộc đua vũ trụ giữa các cường quốc đang trở nên gay cấn

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 10/01/2019 16:08 GMT+7

VTV.vn - Thế giới ghi nhận nhiều cột mốc mới trong công cuộc chinh phục vũ trụ của các quốc gia.

Phát hiện sóng vô tuyến từ dải thiên hà khác

Kênh truyền hình BBC cho biết, các nhà khoa học Canada vừa bắt được tín hiệu vô tuyến đến từ một dải thiên hà xa xôi, cách Trái đất 1,5 tỷ năm ánh sáng. Điều đặc biệt là tín hiệu vô tuyến này lập lại 6 lần và có vẻ như xuất phát từ cùng một địa điểm.

Trong lịch sử mới chỉ ghi nhận 60 trường hợp bắt được sóng vô tuyến từ ngoài vũ trụ nhưng chưa lần nào tín hiệu lặp lại nhiều như lần này. Tín hiệu lập lại liên tục mở ra nhiều triển vọng trong việc truy tìm nguồn gốc nơi chúng được phát đi. Đây là một trong những lý do khiến vũ trụ luôn bí ẩn và cần được khám phá.

Kế hoạch khám phá vung tối Mặt Trăng của Trung Quốc

Tối 3/1, Trung Quốc đã làm được điều cả thế giới chưa làm được đó là hạ cánh tàu vũ trụ Hằng Nga 4 lên nửa tối của Mặt Trăng.

Ông Ye Peijian - Học giả Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc - nói: "Vùng tối của Mặt Trăng gần như không có vật cản và tiếng ồn rất ít điều này giúp ích rất nhiều cho quá trình thu thập dữ liệu để nghiên cứu. Về mặt khoa học, việc tiếp cận được vùng tối của Mặt Trăng có ý nghĩa rất lớn. Đây sẽ là nền tảng cho việc khám phá Mặt Trăng trong tương lai của chúng tôi và thậm chí có thể thành lập một trạm nghiên cứu Mặt Trăng trên đó".

Điều nổi bật là các tham vọng khám phá Mặt Trăng và vũ trụ của Trung Quốc luôn luôn lớn dần theo thời gian. Năm 2020, Trung Quốc sẽ đưa tàu Hằng Nga 5 hạ cánh trên Mặt Trăng, thu thập các mẫu và trở về Trái Đất. Năm 2030, Trung Quốc lên kế hoạch về việc đưa tàu có người lái lên Mặt Trăng. Nếu thành công, Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ hai sau Mỹ, đưa được công dân lên mặt trăng.

Ông Wu Weiren - Nhà thiết kế chính của Chương trình thám hiểm Mặt Trăng Trung Quốc - nói: "Nếu những nỗ lực khám phá Mặt Trăng trong của chúng tôi thành công đó sẽ là một đóng góp lớn cho nhân loại, đồng thời cũng chính là đòn bẩy giúp chúng tôi tiến nhanh và xa hơn. Chúng tôi sẽ không dừng lại, mà sẽ tiếp tục với những kế hoạch lớn hơn".

Một số nhà phân tích cho rằng chương trình Mặt Trăng của Trung Quốc không chỉ là để khoe thành tựu công nghệ, mà đây chỉ là bàn đạp cho phép Trung Quốc thăm dò, khai thác tài nguyên thiên nhiên trong vũ trụ trong thời gian rất ngắn tới đây, nhằm củng cố vị thế kinh tế.

Cuộc đua vũ trụ giữa các cường quốc

Việc Trung Quốc phóng thành công tàu vũ trụ để hạ cánh xuống vùng tối của Mặt Trăng đã đánh dấu sự gia nhập cuộc đua của cường quốc mới nổi này cùng với Mỹ, Nga.

Năm 1957, Liên Xô vận hành vệ tinh nhân tạo đầu tiên trên thế giới Sputnik.

Năm 1958, Mỹ cho phóng vệ tinh đầu tiên vào quỹ đạo.

Năm 1961, Liên Xô, Mỹ lần đầu đưa con người vào vũ trụ.

Năm 1969, Mỹ có người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng.

Năm 2014, Ấn Độ trở thành quốc gia châu Á đầu tiên phóng thành công tàu thăm dò lên quỹ đạo của Sao Hỏa.

Ngày 1/1/2019, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thiết lập kỷ lục mới khi tàu thăm dò New Horizons bay đến rìa của hệ Mặt Trời, nơi xa nhất trong vũ trụ mà con người từng khám phá.

Ngoài ra, Nga cũng tuyên bố sẽ tái khởi động chương trình đưa người lên mặt trăng và sao Hỏa những năm tới. Cuộc đua vũ trụ đang ngày càng gay cấn và dường như không có hồi kết.

Bên cạnh đó, cuộc đua vũ trụ hiện nay không chỉ là sân chơi dành cho các quốc gia lớn nữa bởi hiện đang có khoảng 10 doanh nghiệp tư nhân cũng đã tham gia vào cuộc chinh phục này như Space X hay Blue Origin. Nghiên cứu vũ trụ cũng là một cách để làm giàu khi ngày nay đang bùng nổ dịch vụ kinh doanh như du lịch vũ trụ. Tuy nhiên, quan trọng hơn nghiên cứu vũ trụ là để tìm hiểu xem có tồn tại sự sống ở hành tinh khác và việc đưa con người lên đó sinh sống có khả thi hay không?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước