Đa dạng các hình thức xét tuyển từ lấy kết quả kỳ thi THPT Quốc gia cho đến lấy kết quả thi đánh giá năng lực, xét học bạ và điểm Ngoại ngữ đạt chuẩn theo đánh giá của các trung tâm uy tín… các phương thức xét tuyển đều nhằm tăng cơ hội trúng tuyển cho người học. Thực tế này càng đòi hỏi việc siết chặt xét tuyển, siết chặt chất lượng.
Hiện Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành các Thông tư bổ sung giám sát chất lượng nguồn tuyển như: Các trường tuyển sinh nhiều phương thức khác cần xác định tỉ lệ phù hợp để đảm bảo chất lượng đầu vào, đối chiếu điểm thi THPT Quốc gia, nghiên cứu chất lượng kết quả học tập của các sinh viên trong suốt quá trình học tại trường. Việc siết chặt này thể hiện quyết tâm hướng đến đảm bảo chất lượng của Bộ GD&ĐT. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều trường đại học, xã hội đã có nhận thức sát thực về chất lượng đào tạo, vì vậy chúng ta hãy để quy luật của thị trường lựa chọn.
Các đại biểu tham gia hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019 diễn ra ngày 17/7 cũng thống nhất, việc tuyển sinh cần đảm bảo tư duy quản trị đại học là quản trị theo mục tiêu, lấy khách hàng làm mục tiêu hướng tới. Mỗi trường đại học phải trở thành trung tâm động lực phát triển cho địa phương, cho vùng.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, mùa tuyển sinh năm 2019, cả nước có gần 500.000 chỉ tiêu tuyển sinh, trong đó khoảng 70% là chỉ tiêu xét tuyển căn cứ vào kết quả thi THPT Quốc gia, 30% còn lại với khoảng gần 150.000 chỉ tiêu là xét tuyển bằng các phương thức khác. Trong đó, hầu hết xét tuyển học bạ THPT.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!