Nhận tàu chưa được một năm nhưng ông Nguyễn Văn Lý đã phải cho tàu nằm bờ giữa mùa khai thác chính trong năm. Thành tàu rỉ sét nghiêm trọng mặc dù ngay khi nhận tàu về, ông đã phải sơn thêm lớp bảo vệ bên ngoài.
Theo bản khai toán giá thành của con tàu, tất cả các hạng mục vật liệu tôn tấm dùng làm vỏ tàu được ghi rõ, có xuất xứ từ Nhật Bản, hoặc Hàn Quốc. Thế nhưng, theo biên bản kiểm tra từng phần của Trung tâm Đăng kiểm Tàu cá, vật liệu làm vỏ tàu khác với ghi trong khai toán. Hộp số cũng vậy, thay vì là hàng Nhật, theo biên bản nghiệm thu lại là hộp số có xuất xứ từ Trung Quốc.
Cũng theo báo cáo kiểm tra của Mitsubishi, 8 trong 9 máy mang nhãn hiệu công ty này lắp cho tàu vỏ thép ở Bình Định cũng không phải hàng chính hãng. Gần 16 tỷ đồng để đóng con tàu vỏ thép nhưng chỉ sau 9 tháng đã không sử dụng được, đối với ngư dân, bây giờ là nỗi ám ảnh của khoản nợ hàng chục tỉ đồng.
Hiện tỉnh Bình Định đã lập tổ giám định độc lập để kiểm tra 17 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 nhưng nay đã bị hư hỏng. Ngày 9/6 lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đã khẳng định là sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Các cơ sở đóng tàu để xảy ra sự cố thậm chí phải đóng mới lại và phải chịu trách nhiệm bồi thường cho ngư dân khi tàu phải nằm bờ sửa chữa như hiện nay.
Ngoài ra, thông tin quản lý an toàn thực phẩm - nhắc nhở là chính; Rác tràn ngập đường thị xã Sơn Tây, Hà Nội; Sinh viên cầm đồ tham gia đa cấp - mất tiền, ôm nợ cũng là những nội dung thu hút sự chú ý của dư luận trong tuần qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!