Ngay ở những nền kinh tế lớn của khu vực, cảnh thiếu thực phẩm thiết yếu đã xảy ra, đẩy người dân vào cảnh "méo mặt" khi kể cả có tiền cũng chưa chắc đã mua được.
Củ hành đang làm người dân nhiều nước châu Á chảy nước mắt theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sau khi mùa mưa kéo dài khiến vụ gieo trồng hành vào mùa hè phải lùi lại, Ấn Độ, nhà xuất khẩu nguyên liệu chế biến lớn nhất thế giới, buộc phải cấm xuất khẩu hành củ. Dù vậy, giá hành trong nước vẫn rất cao, ở mức 2,5 USD/kg, gần bằng thu nhập trung bình một ngày của người dân nước này.
Không chỉ giá hành tại Ấn Độ tăng, tình trạng trên còn khiến những quốc gia nhập khẩu hành của nước này như Bangladesh phải "bóp mồm bóp miệng" theo. Sau lệnh cấm xuất khẩu hành của Ấn Độ, Thủ tướng Bangladesh tuyên bố cắt giảm hành trong thực đơn mỗi ngày của bà. Chỉ trong vòng nửa tháng, các bà nội trợ phải chi gấp đôi số tiền để mua 1kg hành.
Người dân Trung Quốc phải giành giật từng miếng thịt lợn. Nguyên nhân là do dịch tả lợn châu Phi và xung đột thương mại Mỹ - Trung khiến nguồn cung thịt lợn "thiếu trong hụt ngoài" ở quốc gia này. Không muốn những chiếc há cảo chỉ có nhân hành, người dân đổ xô đi nuôi siêu lợn khổng lồ với những con nặng tới 150kg, hy vọng Tết năm nay trên mâm cỗ vẫn có món thịt kho.
Ngược lên phía Bắc, một quốc gia khác cũng đang phải "ăn dè hà tiện" trong dịp năm mới này, đó là Hàn Quốc. Biến đổi khí hậu khiến mùa đông năm nay không lạnh nhiều, đồng nghĩa những giống rau củ mùa đông như cải thảo, nguyên liệu chính của món kim chi, cũng không đạt sản lượng như mọi năm.
Nếu đi chợ truyền thống, trung bình một gia đình 4 người sẽ tốn 235 USD (khoảng 5,5 triệu đồng) để mua các loại cải và gia vị để muối kim chi. Do đó, nếu thời tiết vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến mùa màng như thế này, về lâu dài người dân xứ kim chi thực sự phải "đếm củ dưa hành" trong mỗi lần đi chợ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!