Hiện nay đang là thời điểm mưa nhiều, cũng là thời điểm loài rắn thường tìm nơi khô ráo để ẩn nấp. Đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người dân bị rắn cắn, đặc biệt là các em nhỏ. Thế nhưng, không phải phụ huynh nào cũng có đủ những kỹ năng sơ cứu cho con khi bị rắn cắn.
Chỉ trong vòng 2 tháng gần đây, Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận hơn 20 bệnh nhi đến điều trị vết thương do rắn cắn. Đây là con số tăng đột biến so với những năm trước.
Đang ở trong nhà nhưng vẫn bị rắn cắn, đó là điều làm cả gia đình chị Hạnh (Hà Nam) rất ngỡ ngàng. Cháu Hương, con gái chị, đã bị rắn hổ mang cắn 2 vết vào chân.
Mặc dù chị Hạnh có biện pháp sơ cứu cho con, nhưng theo bác sĩ điều trị cho biết, biện pháp sơ cứu này không chính xác và khi đưa đến bệnh viện vết thương của cháu Hương đã lan rộng.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp cha mẹ thiếu kỹ năng xử lý trong tình huống con bị rắn cắn.
Bên cạnh đó, không ít trường hợp bố mẹ vì quá hoảng hốt, lo lắng cho tình trạng sức khỏe của con mà không còn đủ bình tĩnh để sơ cứu ban đầu như trường hợp của cháu Khánh con chị Nhung (Vĩnh Phúc).
Các bác sĩ khuyến cáo, khi con bị rắn cắn, các bậc cha mẹ chỉ rửa bằng nước sạch hoặc dung dịch betadine và nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.
Cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn VTV.vn - Khi bị rắn độc cắn, sơ cứu vết thương trước khi đến cơ sở y tế rất quan trọng vì nếu không được xử lý tốt có thể nguy hiểm đến tính mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!