Giải pháp nào cho tình trạng quá tải tại các khoa cấp cứu?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 23/07/2019 14:31 GMT+7

VTV.vn - Quá tải đang là tình trạng chung tại các khoa cấp cứu của nhiều bệnh viện tuyến cuối hoặc bệnh viện đa khoa tại TP.HCM.

Mới đây, người nhà nữ bệnh nhân tử vong sau khi được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM nhưng suốt 4 giờ không được cấp cứu kịp thời, đã gửi đơn yêu cầu công an vào cuộc làm rõ. Trong đơn thư kêu cứu, người nhà bệnh nhân - anh Trần Quốc Cường - cho rằng việc lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra nguyên nhân dẫn đến cái chết của mẹ mình là do đội ngũ bác sỹ cấp cứu thiếu kinh nghiệm trong chẩn đoán bệnh không đúng.

Theo anh Cường, nguyên nhân do các bác sỹ điều trị đã thiếu trách nhiệm không sơ cấp cứu kịp thời để bệnh nhân phải đợi tới 4 tiếng đồng hồ và khi có dấu hiệu chuyển nặng mới tiến hành sơ cấp cứu nhưng đã quá muộn. Đại diện người nhà nạn nhân yêu cầu công an, Viện Kiểm sát nhân dân quận 5, TP.HCM khởi tố vụ án hình sự với hành vi vô ý làm chết người cũng như có hình thức xử lý đối với bác sĩ điều trị ban đầu và trưởng kíp trực cấp cứu tối 9/7 khi sự việc xảy ra.

Bất cập dồn tải khoa cấp cứu

Liên quan đến vụ việc trên, sai sót ở đâu, ai phải chịu trách nhiệm và mức độ sai đến đâu? Câu trả lời vẫn đang phải chờ đợi kết luận điều tra từ cơ quan chức năng. Nhưng có một chi tiết trong vụ việc này là người bệnh đã phải nằm chờ ngoài hành lang trong nhiều giờ do bệnh nhân quá đông. 

Quá tải đang là tình trạng chung tại các khoa cấp cứu của nhiều bệnh viện tuyến cuối hoặc bệnh viện đa khoa tại TP.HCM. Việc dồn tải và chưa có một hệ thống thông minh điều phối để biết hiện trạng các khoa cấp cứu, đã đặt cả các y bác sỹ và người bệnh vào rất nhiều rủi ro.

Cần có hệ thống điều hành thông minh mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện

Hình thành các trạm cấp cứu vệ tinh trên địa bàn thành phố là phù hợp với tình hình thực tiễn và là xu thế tất yếu hiện nay của nhiều nước trên thế giới. Cho đến nay đã có 31 bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn TP.HCM tự nguyện tham gia làm trạm vệ tinh của Trung tâm Cấp cứu 115. Tương ứng, số lượt gọi 115 của người dân hiện nay đã tăng gấp 3 lần so với 2015 (ước tính trên 25.000 cuộc gọi)  đã cho thấy sự tin tưởng của người dân với hoạt động cấp cứu của ngành y TP.HCM.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗi lực của các bệnh viện tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh, vẫn cần những giải pháp mạnh mẽ để không ngừng nâng cao chất lượng như: Phát triển nguồn nhân lực chuyên trách công tác cấp cứu ngoài bệnh viện; Bổ sung và đa dạng hoá phương tiện vận chuyển cho hoạt động cấp cứu ngoài bệnh viện. 

Đặc biệt, các bệnh viện rất cần một hệ thống điều hành mạng lưới cấp cứu ngoài bệnh viện thông minh kết nối hiệu quả giữa Trung tâm Cấp cứu 115 với các bệnh viện sẽ tiếp nhận người bệnh được chuyển đến; kết nối giữa Trung tâm Cấp cứu với các trạm cấp cứu vệ tinh trong điều phối xe cứu thương; kết nối giữa chuyên viên cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 với người dân khi có nhu cầu cấp cứu.

Hiện nay, Trung tâm Cấp cứu 115 đã xây dựng đề án hệ thống điều hành thông minh, trình UBND TP.HCM phê duyệt, sẽ góp phần nâng cao chất lượng cấp cứu cho người dân trên địa bàn thành phố trong tương lai.

Trong khi chờ đợi một hệ thống điều hành mạng lưới cấp cứu trong tương lai, theo các chuyên gia tuân thủ quy trình và các cấp độ cấp cứu là điều cần thiết để phân loại, cứu chữa bệnh nhân kịp thời. Mô hình "dán màu bệnh nhân" tại Khoa cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội - nơi đang đón tiếp khoảng 200 bệnh nhân/ngày đã mang lại hiệu quả thiết thực.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước