Lần theo số điện thoại được viết trên vỏ thùng carton, PV dễ dàng tìm ra một trang Facebook rao bán các loại thịt trâu gác bếp, thịt lợn hun khói, nhưng thay vì ghi xuất xứ Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc, những loại thịt này đã được gắn mác đặc sản Sơn La, kèm theo nhiều hình ảnh quảng cáo hấp dẫn.
PV đã gọi điện đến số điện thoại trên và được chủ trang Facebook cung cấp địa chỉ cửa hàng các loại thịt trâu gác bếp, thịt lợn hun khói. Tìm đến đúng địa chỉ chủ hàng cung cấp, theo ghi nhận, biển quảng cáo đủ mọi mặt hàng đặc sản được treo ngay phía ngoài cửa. Trong nhà, thịt trâu sấy, lợn sấy được đổ ra nền đất, chuẩn bị đóng gói, hút chân không giao cho khách. Dù những thùng, hộp carton vừa chuyển từ Vĩnh Phúc về, mới bóc ra vẫn còn vứt lăn lóc ở một góc nhà, thế nhưng chủ hàng vẫn nói dối về nguồn gốc xuất xứ của số hàng này.
Thịt trâu sấy, lợn sấy được đổ ra nền đất, đóng gói và hút chân không.
Dù nhập từ cơ sở sản xuất ở Vĩnh Tường với giá 200.000 đồng/kg, thế nhưng khi về đến Hà Nội, những miếng thịt lợn chết đã được "lên đời" thành thịt lợn hun khói đặc sản Sơn La với giá 325.000 đồng/kg.
Khẳng định là thịt chuẩn, thế nhưng khi phóng viên đề nghị ăn thử để kiểm chứng, chủ hàng lập tức từ chối.
Sản xuất số lượng lớn và bán ở nhiều địa phương, thế nhưng không phải chủ hàng nào cũng nhẫn tâm nhập về loại thịt lợn chết sấy khô của cơ sở ở Vĩnh Tường.
Mỗi ngày sản xuất 4 tạ thịt lợn, trung bình 1 tháng cơ sở ở Vĩnh Tường tung ra thị trường khoảng gần 4 tấn thịt sấy khô với nguyên liệu làm từ thịt lợn chết. Không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, không được bất cứ cơ quan nào kiểm định, số thịt đó đã đi những đâu, bao nhiêu người đã sử dụng, đến thời điểm này chưa ai có thể thống kê được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!