Theo ghi nhận trên tuyến đường Láng, quận Đống Đa, nhiều hộ gia đình đã chủ động tự phá dỡ các công trình lấn chiếm vỉa hè trước sự chỉ đạo quyết liệt của UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, phần lớn các loại phế thải xây dựng sau khi phá dỡ đều được đổ thẳng ra vỉa hè. Thậm chí, điểm chờ xe bus của hành khách cũng bị đổ đầy phế thải.
Quán nước của bà Tạ Thị Nin (Đống Đa, Hà Nội) trước đây lấn chiếm ra vỉa hè nửa mét, ngay trong đêm, phần lấn chiếm đã bị đập bỏ, nhưng toàn bộ rác thải đổ thẳng ra trước cửa, tràn cả xuống lòng đường.
Không biết đổ đi đâu, chờ Nhà nước xử lý… là những lý do được nhiều gia đình giải thích cho tình trạng đổ phế thải tràn lan ra đường. Tuy nhiên, tình trạng này chỉ xảy ra với phế thải của các công trình lấn chiếm vỉa hè. Với giá từ 600.000 - 800.000 đồng cho một chuyến xe đổ phế thải, không có mấy nhà chịu bỏ tiền ra thuê. Đổ thẳng ra đường vẫn là lựa chọn của nhiều người.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, bình quân mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.500 - 2.000 tấn phế thải xây dựng thải ra môi trường, trong đó chưa kể phế thải xây dựng theo từng thời điểm như chiến dịch xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Các loại phế thải xây dựng hiện nay chưa được tái chế; một lượng nhỏ được dùng để san lấp mặt bằng, còn lại phần lớn đem đổ lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường và mất cảnh quan đô thị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!