Học trực tuyến trong thời gian nghỉ dịch có thực sự hiệu quả?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 17/02/2020 13:24 GMT+7

VTV.vn - Kỳ nghỉ phòng dịch NCoV dài hơn dự kiến của HS-SV. Học trực tuyến là giải pháp được nhiều trường lựa chọn nhưng liệu phương pháp này có thực sự phát huy hiệu quả?

Tính đến thời điểm này, đã có gần 60 tỉnh, thành phố tiếp tục cho học sinh nghỉ học thêm 1 tuần, thậm chí là hết tháng 2 để phòng, tránh dịch COVID-19 (nCoV). Với nhiều trường bậc tiểu học, THCS, THPT, các em sẽ nghỉ tới 3 tuần lễ.

Để đảm bảo việc ôn tập tại nhà cũng như chuẩn bị lượng kiến thức mới để học sinh sẵn sàng quay trở lại lớp, nhiều trường học và các bậc phụ huynh đã chọn phương án cho các con học trực tuyến trong thời gian nghỉ.

Học trực tuyến khi nghỉ dịch chủ yếu là ôn tập

Tại phòng hội đồng của trường tiểu học và THCS FPT, các thầy cô giáo bộ môn tiếng Anh vẫn tiến hành giảng dạy bình thường. Các em học sinh sẽ được tham gia lớp học thông qua kết nối trực tuyến bằng ứng dụng sẵn có. Thế nhưng, phần lớn các lớp học online như thế này thường không đủ sĩ số.

Không chỉ theo dõi các bài giảng trên lớp, nhiều em học sinh còn sử dụng các ứng dụng học tập trực tuyến bởi thời gian này nhiều đơn vị đã mở cổng học miễn phí, không giới hạn số lượng môn học. Tuy nhiên, theo các học sinh cũng như phụ huynh, việc học trực tuyến thời gian này chủ yếu là ôn tập lại kiến thức đã học thông qua bài tập có sẵn.

Học trực tuyến trong thời gian nghỉ dịch có thực sự hiệu quả? - Ảnh 1.

"Học online chỉ là bài tập ôn chứ không thể thay thế học chính vì không có sự tương tác. Không hiệu quả như học truyền thống" - em Doãn Phương Thảo, lớp 7, trường Tiểu học và THCS FPT cho biết.

Cùng quan điểm, anh Doãn Trung Tùng, phụ huynh học sinh cho rằng: "Học như thế này phụ huynh vẫn phải theo sát, rất mất thời gian. Nói chung nghỉ phòng dịch thì được, chứ nghỉ kéo dài thì không ổn".

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ phó Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: "Ngay sau khi quay trở lại việc học, các trường vẫn phải đảm bảo thời gian, thời lượng, chương trình học của từng khối lớp theo đúng quy định của Bộ. Không thể lấy lý do đã dạy trực tuyến mà bỏ qua được".

Có thể thấy, việc giảng dạy trực tuyến đối với các cấp phổ thông chỉ là giải pháp tạm thời, ứng phó với tình hình học sinh nghỉ phòng tránh dịch COVID-19 nhưng dường như phương pháp giảng dạy hay các bài giảng, bài tập cũng mang tính tự phát, không có hệ thống bài bản. Mục tiêu chính là để các bạn học sinh có thể ôn luyện kiến thức.

Tuy nhiên, đối với cấp bậc đại học, cao đẳng, việc tiến tới giảng dạy trực tuyến đã nằm trong kế hoạch của không ít trường. Thời gian sinh viên không lên giảng đường lại là cơ hội đẩy nhanh tiến trình giảng dạy. Thế nhưng, để việc học trực tuyến có thể thay thế việc học tập trực tiếp trên các giảng đường không hề dễ dàng.

Học trực tuyến chưa thể thay thế bài giảng trên lớp

Với kế hoạch ban đầu, ở học kỳ này, trường Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ thử nghiệm chuyển đổi một phần đào tạo chính quy sang đào tạo trực tuyến. Nhưng do tác động của dịch COVID-19, tiến trình đã thay đổi hoàn toàn.

Ngay tuần sau Tết, dù sinh viên không đến trường, toàn bộ hơn 800 giảng viên của trường đều phải tham gia lớp tập huấn để 100% các lớp học phần sinh viên đã đăng ký vẫn bắt đầu đúng lịch. Phần mềm cho phép thầy cô tạo lớp học ảo, đăng tải tài liệu học tập, mở chủ đề trao đổi trực tuyến.

Với phương pháp học trực tuyến, sinh viên của trường cảm thấy hứng thú vì có thể tự chủ thời gian học tập, tiện lợi khi theo dõi, tìm kiếm kiến thức về môn học. Tuy nhiên, các bạn sinh viên cũng cho rằng, đây chỉ là biện pháp ứng phó trong thời gian chưa thể quay lại trường.

Đáng nói, với hàng nghìn sinh viên đến từ nhiều vùng miền khác nhau, khả năng tiếp cận Internet của người học khác nhau sẽ là một khó khăn khi nhà trường triển khai giảng dạy trực tuyến. Chưa kể, phần lớn sinh viên hiện nay vẫn quen với cách học thụ động truyền thống.

Học trực tuyến trong thời gian nghỉ dịch có thực sự hiệu quả? - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, để triển khai đồng bộ đòi hỏi nhà trường phải có hạ tầng công nghệ thông tin đủ mạnh. Đội ngũ giảng viên cũng cần được đào tạo bài bản, dành thời gian để số hóa tài liệu bài giảng. Không thể ngày 1, ngày 2 mà bài giảng trực tuyến có thể thay thế bài giảng trực tiếp được.

Không thể phủ nhận phương pháp giảng dạy trực tuyến vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế và chưa thể thay thế hoàn toàn giảng dạy trực tiếp ở các trường đại học với điều kiện như hiện nay. Nhưng rõ ràng đào tạo trực tuyến là xu thế chung của thế giới.

Theo đó, với phương châm khuyến khích các trường đại học trên cả nước tự chủ trong đào tạo trực tuyến, Bộ GD-ĐT cũng đã ban hành Thông tư 12 vào năm 2016 với nội dung quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng. Giáo dục trực tuyến cũng có nhiều lợi thế hơn so với giáo dục truyền thống khi xã hội ngày càng phát triển.

Nhiều lợi ích từ hình thức đào tạo trực tuyến

Giáo dục trực tuyến không những khuyến khích giảng viên sáng tạo, chủ động trong hoạt động giảng dạy mà còn giúp các bạn sinh viên rèn luyện khả năng tự học, điều còn thiếu trong bộ phần giới trẻ hiện nay.

Đáng nói, xu thế học online còn là phương thức được các đơn vị sử dụng nhằm kết nối cũng như tiệm cận với chương trình học quốc tế. Tại Viện Quản trị và Công nghệ FSB, 2/15 môn trong tiến trình đào tạo thạc sỹ quản trị kinh doanh được thiết kế học trực tuyến với chương trình học của các trường hàng đầu ở Mỹ.

Rõ ràng, giáo dục trực tuyến không chỉ là cách thức dạy và học theo xu thế số hóa nội dung của thời đại 4.0 mà được xây dựng để trở thành cách thức học tập với những giá trị cạnh tranh cao khi học viên phải học thực mới đạt được chứng chỉ theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Đảm bảo hạ tầng thông suốt cho học trực tuyến Đảm bảo hạ tầng thông suốt cho học trực tuyến

VTV.vn - Việc bổ trợ phương thức học online không thay thế được học chính khóa nhưng đã giúp duy trì nề nếp học tập cho các học sinh trong những ngày tạm nghỉ học.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước