Điều đáng nói là họ đã tham gia mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, một mô hình không chỉ gia tăng giá trị kinh tế cho tập thể mà còn duy trì, phát triển được giá trị của kinh tế hộ gia đình. Vậy mà nay, được đâu chưa thấy, chỉ thiệt là tăng.
Lúa đã lên xanh nhưng đấy là ruộng của bà con tự chủ cày cấy. Còn với những ai tham gia hợp tác xã, đồng nghĩa, ruộng vẫn trắng nước, dẫu đã vào vụ.
Dẫu có muộn vụ nhưng vẫn còn được cấy, còn hơn những xã viên ruộng phải bỏ cỏ mọc. Vì đã theo hợp tác xã là phải đợi. Chỉ với 1 máy bừa và 1 máy cấy, lẽ vậy, khi làm cho hộ này thì hộ khác phải chờ, đồng nghĩa, một thửa ruộng mà nơi lúa đã lên, nơi nước trắng, còn nơi vẫn cỏ mọc.
Thay vì để các xã viên tự nguyện chọn loại hình dịch vụ, HTX bắt buộc người dân phải sử dụng đơn vị cung cấp dịch vụ mà HTX đã chọn. Bởi theo họ, đó là tối ưu nhất và được toàn thể nhân dân cũng như chính quyền địa phương nhất trí cao.
Người dân phải mất tiền nhưng nhận được dịch vụ không mong muốn, tuy nhiên, họ không có quyền lựa chọn nào khác bởi tất cả phải do người đứng đầu HTX quyết. Từ hỗ trợ nay lại thành cản trở, từ chung sức nay lại ra độc quyền. Để rồi, ruộng thì không có đủ máy để cày cấy nhưng vẫn còn nhiều máy của bà con phải đắp chiếu vì không được phép xuống ruộng nếu chưa được HTX thông qua.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!