Súng đạn - Cấm hay không cấm? Một câu hỏi tưởng như đã quá cũ đối với nước Mỹ vừa nóng trở lại, khi chỉ cách đây ít ngày 59 người đã thiệt mạng và gần 500 người khác bị thương trong một vụ xả súng có thể nói là đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ.
Bằng nhiều khẩu súng trường tự động, thủ phạm Stephen Paddock đã nã đạn liên tiếp từ cửa sổ khách sạn vào đám đông người tham dự hòa nhạc tại Las Vegas. Vụ việc nối dài danh sách những vụ tấn công gây thương vong nhiều nhất nước Mỹ mà hung khí là súng.
Một lần nữa, súng lại là nỗi kinh hoàng của nước Mỹ, nhưng cùng lúc nó cũng được coi là vật phòng thân hàng đầu của người dân nước này.
Chưa đầy một ngày sau vụ thảm sát bằng súng, cổ phiếu cũng như doanh số của hãng sản xuất súng đạn tại Mỹ không ngừng tăng, phản ánh tâm lý trái ngược người dân đổ xô tìm mua súng trong nỗi lo luật kiểm soát vũ khí bị thắt chặt và bản thân có thể là nạn nhân của các vụ tấn công.
Thực tế, không phải đợi tới những thảm kịch tương tự vụ xả súng ở Las Vegas, người dân Mỹ mới ưa chuộng súng. Hiến pháp Mỹ cho phép người dân giữ vũ khí vì mục đích tự vệ một quyền bất khả xâm phạm, tương tự tự do ngôn luận. Do đó, mỗi hộ gia đình Mỹ ít nhiều đều sở hữu một khẩu súng.
Ước tính với khoảng 300 triệu khẩu súng sở hữu, tương đương gần một nửa số súng của toàn thế giới, Mỹ đã trở thành quốc gia có tỷ lệ vũ khí trên đầu người cao nhất thế giới, hơn cả quốc gia chìm trong chiến sự như Yemen.
Độ phổ biến của loại vũ khí này còn thể hiện rõ hơn khi thống kê của trang Business Insiders cho thấy số cửa hàng bày bán súng công khai và hợp pháp thậm chí còn vượt quá số siêu thị và cửa hàng tạp hóa trên toàn nước Mỹ.
Sở hữu và sử dụng súng đã vượt ra khỏi ranh giới quyền lợi để trở thành một văn hóa gắn liền với xã hội Mỹ. Điều này đòi hỏi Chính phủ cũng như các nhà lập pháp phải đề ra những quy định trong việc kiểm soát loại vũ khí sát thương này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!