Đối với phụ nữ, ung thư cổ tử cung đang là loại ung thư phụ khoa phổ biến thứ hai sau ung thư vú. Nhưng điều đáng nói là hiện nay, loại ung thư này đang có dấu hiệu trẻ hóa. Theo các chuyên gia, khái niệm trẻ hóa với loại ung thư ở người lớn là các trường hợp mắc trước 35 tuổi, nếu mắc ung thư trước 30 được coi là rất trẻ.
Tiếp xúc với bệnh nhân hàng chục năm qua, bác sĩ Phạm Thị Diệu Hà - Phó Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện K Trung ương thậm chí còn biết đến trường hợp mắc bệnh từ năm 17 tuổi và tử vong sau 2 năm điều trị vì phát hiện bệnh khi đã muộn. Nguyên nhân chủ yếu gây ra ung thư cổ tử cung là do virus HPV lây truyền qua quan hệ tình dục.
Khác với ung thư buồng trứng hay ung thư vú thường gặp ở phụ nữ, ung thư cổ tử cung phát triển bệnh từ từ theo giai đoạn mà không có bước nhảy cóc. Chính vì vậy, nếu được phát hiện và điều trị từ sớm, khả năng khỏi bệnh sẽ rất cao.
Ngoài làm các xét nghiệm chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung, việc tiêm vaccine phòng ngừa HPV là biện pháp hữu hiệu để phòng tránh bệnh này, giúp làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung 70- 90%. Lứa tuổi được khuyến cáo nên tiêm là từ 9-26 tuổi, đặc biệt tác dụng cao với những người chưa từng quan hệ tình dục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!