Lừa đảo xuất khẩu lao động: Vì sao nhiều người mắc bẫy?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 30/03/2020 14:17 GMT+7

VTV.vn - DN xuất khẩu lao động lừa đảo chỉ mất vài phút viết ra một lời quảng cáo nhưng thu tiền bằng cả một đời làm lụng của nhiều người.

Những ngôi nhà khang trang là thành quả sau 3 - 4 năm đi xuất khẩu lao động. Không chỉ ở từng hộ gia đình, xuất khẩu lao động đã mang đến sự thay da đổi thịt nhanh chóng cho nhiều làng quê. Không ngoa khi nói rằng đi xuất khẩu lao động là giấc mơ đổi đời. Tuy nhiên, không phải lúc nào giấc mơ ấy cũng mỉm cười với tất cả mọi người bởi đổi đời chưa tỏ thì nặng nợ đã hiển hiện ngay trước mắt.

Đổi đời chưa tỏ, nặng nợ đã đến

Để cho con trai được đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, vợ chồng ông Nhữ Văn Hùng, huyện Bình Giang, Tỉnh Hải Dương đã vay 5 cuốn sổ ngân hàng. Hơn 1 năm, con vẫn ở nhà còn tiền thì đã không cánh mà bay. 

Không chỉ gia đình ông Hùng, gia đình ông Nguyễn Đình Cán phải đôn đáo vay mượn khắp nơi để đóng đủ cho công ty xuất khẩu lao động số tiền 270 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông phải đóng thêm 30 triệu đồng cho khóa đào tạo trong 6 tháng. Vậy là 300 triệu đồng đã mất một cách dễ dàng cho công ty xuất khẩu lao động. Mất tiền đã đành, nhiều gia đình cảm thấy tủi hổ vì láng giềng cười chê, hàng ngày họ chỉ còn biết cặm cụi làm việc để mong trả được món nợ đã... nhỡ vay.

Dù phải vay nợ hàng trăm triệu đồng để đi xuất khẩu lao động, nhiều người vẫn nuôi giấc mơ được gọi là đổi đời ấy. Đánh vào tâm lý này, hàng loạt công ty ma đã dùng đủ trò để thu tiền người lao động. Thậm chí, dù chương trình hợp tác lao động với đơn vị nước ngoài chưa được Bộ LĐ-TB&XH triển khai nhưng các công ty đã quảng cáo đưa được lao động xuất cảnh.

Thủ đoạn lừa lao động đi xuất khẩu

Tuyển kỹ thuật viên đi làm việc tại nhà máy Samsung Balan, miễn mọi thủ tục, chỉ thu phí xuất cảnh là 1.500 USD... - những lời quảng cáo đơn giản trên trang Facebook cá nhân của người tự xưng là giám đốc một công ty chuyên đưa người đi xuất khẩu lao động. Chỉ một thời gian ngắn, hàng trăm người đã nộp hồ sơ cùng tiền cọc để ứng tuyển.

Nạn nhân xuất khẩu lao động ở tỉnh Nghệ An cho biết: "Công ty này có thông tin đầy đủ, địa chỉ rõ ràng, có người đại diện pháp luật ký nên mình tin thôi".

Mỗi người đóng cọc với số tiền hàng chục triệu đồng cho doanh nghiệp thế nhưng, vài ngày sau, tiếp tục bị vòi thêm tiền với những loại phí khác lại xuất hiện. Vòi đến lúc người lao động không thể đóng thêm tiền được nữa, lúc này, đây cũng là cớ để doanh nghiệp đưa ra lý do hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu nên phải đợi. 

Chiêu thức đơn giản nhưng lại dễ lừa, chính vì vậy, hàng loạt công ty ma đã mọc ra nhằm chiêu dụ sự cả tin của nhiều người. Mẻ cá lớn hay bé đều bị bắt trọn. Xong một đợt tuyển dụng, những công ty ma như thế này lại tiếp tục thả câu và nạn nhân cũng vì thế mà tăng lên theo cấp số nhân.

Khi mạng xã hội dần trở nên phổ biến, mọi thông tin được tiếp nhận không những nhanh mà thường rất trúng nhu cầu. Cũng chỉ vì vội tin vào những lời quảng cáo hấp dẫn đánh trúng tâm lý, nhiều người lao động sẵn sàng bỏ qua hàng loạt nghi ngờ về tính hợp pháp của những đơn vị này.

Hà Nội: Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động "chui"

Tại TP Hà Nội, chỉ riêng địa bàn quận Hoàng Mai, Cầu Giấy, quận Nam và Bắc Từ Liêm, tính sơ bộ đã có hơn 100 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động nhưng không có giấy phép. Các cơ quan chức năng cho biết những đơn vị này đang có dấu hiệu lừa đảo hàng nghìn người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động và cơ quan công an đang điều tra làm rõ. Cũng vì hoạt động chui nên các đơn vị này sẽ liên tục thay đổi nơi làm việc để tránh sự kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp chỉ mất vài phút viết ra một lời quảng cáo là có thể thu được số tiền bằng cả một đời làm lụng của nhiều người. Đóng tiền mất 1, nhưng mất công, mất sức lại còn gấp 10. Những ai đã và đang lâm vào tình cảnh này chắc chắn đã có cho mình một bài học lớn. Nhưng cũng phải thấy rằng để sự việc này không còn tiếp diễn phổ biến như hiện nay, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng để trả lại quyền lợi hợp pháp cho người lao động.

Thiếu thông tin, nhiều người mắc bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động Thiếu thông tin, nhiều người mắc bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động

VTV.vn - Bất chấp việc thiếu thông tin về nơi muốn tới làm việc, nhiều gia đình và người lao động đã bị các DN môi giới dùng chiêu trò để lừa tiền khi lao động vẫn chưa xuất cảnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước