Theo thống kê chưa đầy đủ, Công ty Modern Tech được cho đã lừa đảo khoảng 32.000 người, với số tiền huy động lên tới 15.000 tỷ đồng, thông qua hình thức đa cấp tiền ảo. Hiện nay, hàng nghìn nhà đầu tư đã viết đơn kiện, đi đến tận công ty để đòi lại tiền của mình, tuy nhiên công ty này đã ngưng hoạt động, đội ngũ nhân viên đã biến mất.
Vì tin tưởng người bạn thân, một người phụ nữ này đã không ngần ngại đầu tư gần 70 triệu đồng cho một chân rết của Modern Tech. Chị đã đầu tư 3 gói của Ifan, Devor và Pincoin, nhưng chưa đầy 1 tháng số tiền đã biến mất, chị chỉ nhận lại được 7 triệu đồng. Không một lời giải thích, không một lời xin lỗi, người chân rết này cũng đã khóa luôn các kênh liên lạc với nhà đầu tư.
Theo các chuyên gia kinh tế, giống như những loại tiền ảo lừa đảo khác, đầu tiên Công ty Modern Tech sẽ trả lợi nhuận rất cao, từ 48 - 60% mỗi tháng khi đầu tư vào Ifan. Hình thức này rõ ràng là một chiêu trò lừa đảo tinh vi, không chỉ dùng tiền người sau trả cho người trước mà chủ sàn còn tự quyền định giá đồng tiền ảo.
Ngay hôm nay (9/4), khi phóng viên tìm đến địa chỉ công ty, dù không còn hình ảnh nhà đầu tư đến đây đòi quyền lợi nhưng hiện công ty đã không còn hoạt động vài tháng nay, cũng không còn nhân viên nào ở đây.
Theo các chuyên gia, dựa vào chiêu trò của Ifan, con đường đòi quyền lợi của nhà đầu tư sẽ rất khó khăn và rắc rối.
Nạn nhân vụ lừa đảo tiền ảo 15.000 tỷ đồng: "Họ nói coin sập sẽ đền gấp đôi"
Chiêu thức lừa đảo của Công ty Modern Tech
Vậy tại sao Modern Tech lại có thể lừa đảo hàng chục nghìn người với số tiền lớn như vậy? Trong quá trình tìm hiểu, phóng viên đã phát hiện thêm nhiều mánh lới câu kéo, dụ dỗ người dân đầu tư vào đường dây này.
- Lợi dụng showbiz Việt để PR
Ngay từ khi mới thành lập vào 10/2017, công ty này đã tìm cách lợi dụng tên tuổi và hình ảnh của các MC, ca sĩ trong và ngoài nước bằng cách mời họ về dẫn chương trình và biểu diễn rồi đi quảng bá rằng họ "đang hợp tác cùng iFan". Nhưng thực tế không phải như vậy.
Một nam ca sĩ nổi tiếng đã từng phải lên tiếng cảnh báo anh không hề liên quan gì đến việc "đại diện hình ảnh" hay PR cho dự án này.
- Tạo độ hot "ảo"
Mỗi đợt iFan bán ra đều với số lượng rất ít, nhiều người đi mà không thể mua được. Điều này gây cảm giác kích thích cho người tham dự phải đi dự sự kiện các lần sau để sở hữu cho bằng được đồng tiền ảo iFan đầy "tiềm năng lớn" này. Và cứ như thế, sự kiện sau luôn đông hơn sự kiện trước, hàng nghìn người đã chui vào bẫy của siêu lừa iFan. Cùng 1 đồng iFan nhưng có lúc người mua thậm chí phải mua với mức giá đắt gấp 60 lần so với giá khởi điểm.
- Đánh vào lòng tham với lãi suất 48%/tháng
iFan tiếp tục lừa người mua bằng chính sách cho vay lại với lãi suất cực khủng, lên đến 48%/tháng, tức là nhà đầu tư muốn đầu tư vào gói này thì phải mua iFan và gửi lại cho công ty vay và công ty sẽ trả lãi hàng tháng bằng tiền ảo iFan. Chính điều này đã đẩy giá iFan tiếp tục cao hơn và chính lúc này, các trưởng nhóm sẽ bán sạch tất cả iFan họ nắm giữ cho nhà đầu tư và ôm tiền bỏ trốn. Lúc này, giá iFan tụt dốc không phanh còn các nhà đầu tư thì lâm vào cảnh trắng tay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!