Tại sao hàng chục nghìn người dễ dàng bị lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng vì tiền ảo?

PV (tổng hợp)-Thứ hai, ngày 09/04/2018 12:08 GMT+7

Rất đông người dân đã kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP. HCM để biểu tình (Ảnh: Dân trí)

VTV.vn - Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo iFan với lãi suất cực cao nhưng sau đó người dân không những không nhận được lãi nhuận mà còn mất tiền đầu tư.

Vào sáng qua (8/4), rất đông người dân đã kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP. HCM để biểu tình kèm theo băng rôn, khẩu ngữ và hình ảnh nhằm tố cáo bị công tố cáo bị công ty chiếm đoạt lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng khi đầu tư tiền ảo. Nhóm biểu tình khẩn cầu các cơ quan chức năng vào cuộc chỉ đạo điều tra vụ việc mà theo họ là "vụ lừa đảo đa cấp lớn nhất lịch sử Việt Nam".

Theo thông tin từ Dân trí, người dân tố cáo dự án của Modern Tech, iFan, Pincoin là dự án huy động vốn được sáng lập bởi 7 người mang quốc tịch Việt Nam, nhưng lại "mang danh" nước ngoài (Singapore đối với iFan và Ấn Độ đối với Pincoin), và đã lừa đảo rất nhiều tiền từ các nhà đầu tư đa số là người Việt Nam.

iFan, Pincoin ủy quyền cho công ty Modern Tech làm đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Đơn vị này trong thời gian qua đã tổ chức nhiều sự kiện tại Hà Nội và TP. HCM để huy động vốn.

Theo phản ánh của người dân, Modern Tech kêu gọi nhà đầu tư mua đồng tiền ảo iFan và cam kết khi tham gia nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu lôi kéo được người vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8%. Nhờ đó, iFan đã dụ dỗ hơn 32.000 nạn nhân cùng tham gia và huy động được hơn 15.000 tỷ đồng tiền vốn. Điều đáng nói, tất cả người chơi sau đó không hề được nhận bất cứ lợi nhuận thực tế nào.

Vì sao dự án của Modern Tech lại thu hút nhiều người và nhiều tiền như vậy?

Theo giới thiệu của Modern Tech, công ty này chuyên nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới vào đời sống thực tế, đưa ứng dụng blockchain trong ngành giải trí vào Việt Nam bằng việc ký kết hợp tác với công ty công nghệ iFan tại Singapore: "Ứng dụng công nghệ blockchain, iFan kết hợp với các công ty công nghệ và giải trí trong khu vực xây dựng nên mạng xã hội cho những người nổi tiếng, giúp họ tạo ra nguồn thu nhập thụ động bằng cách cập nhật trạng thái, đăng ảnh, livestream, bán sản phẩm âm nhạc, phim ảnh, vé sự kiện… Ngoài ra, theo thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên thì iFan còn đầu tư vào Modern Tech để phát triển hàng loạt các ứng dụng trong hệ sinh thái blockchain như hệ thống đặt phòng khách sạn, vé máy bay, vé sự kiện, thẻ thanh toán…".

Tại sao hàng chục nghìn người dễ dàng bị lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng vì tiền ảo? - Ảnh 1.

Modern Tech từng bày tỏ kỳ vọng iFan sẽ phát triển thành 1 thế lực mới trong ngành giải trí

Ngoài ra, Modern Tech còn bày tỏ kỳ vọng iFan sẽ phát triển thành 1 thế lực mới trong ngành giải trí, dần thay đổi cách phổ biến các tác phẩm giải trí và khai thác thị trường này tốt hơn.

Theo thông tin từ Infonet, dự án này huy động vốn bằng cách phát hành mã token, hứa hẹn ra đời để xây dựng nền tảng quản lý thu nhập, tạo thu nhập thụ động cho nghệ sĩ tại Việt Nam.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, iFan đã tìm cách lợi dụng tên tuổi và hình ảnh nghệ sỹ để quảng bá cho hệ thống. Bằng cách mời MC, ca sỹ về dẫn chương trình và biểu diễn, iFan dùng những hình ảnh này để quảng bá rằng các nghệ sỹ lớn của Việt Nam "đang hợp tác cùng iFan". Nhưng thực tế thì không có việc này.

Một nam ca sĩ nổi tiếng đã từng phải lên tiếng cảnh báo anh không hề liên quan gì đến việc "đại diện hình ảnh" hay PR cho dự án tiền ảo, hay cái gọi là tập đoàn iFan nào đó.

Tại sao hàng chục nghìn người dễ dàng bị lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng vì tiền ảo? - Ảnh 2.

Đàm Vĩnh Hưng đăng tải trên Facebook cá nhân xác nhận thông tin mình tham gia ICO iFan là hoàn toàn sai sự thật. Ảnh: Facebook Đàm Vĩnh Hưng.

Trên thực tế, iFan chưa hề xây dựng các tính năng, ứng dụng để hỗ trợ nghệ sỹ như những gì họ tô vẽ để chiêu dụ người đầu tư.

Dự án iFan yêu cầu chủ đầu tư phải mua lượng token tối thiểu 1.000 USD. Sau đó người đầu tư phải trải qua quá trình cho vay với lãi suất "khủng" lến đến vài chục phần trăm mỗi tháng. Việc này nhằm kéo dài thời gian sống cho dự án. Trong lúc cho vay, người đầu tư được khuyến khích kêu gọi mọi người vào để hưởng hoa hồng theo nhiều mức. Chính số tiền của những người vào sau được dùng để trả cho những người trước.

Số tiền đầu tư tối thiểu đã cao, số tiền rút ra cũng cao không kém. Ban đầu là 0.02 BTC (khoảng 5 triệu đồng) có lúc tăng đến 0.8 BTC (gần 200 triệu đồng). Công ty này luôn nâng giới hạn để không cho người đầu tư rút. Những nhà đầu tư nộp tiền thật cho công ty rồi sau đó chỉ biết đứng nhìn số tiền của mình hiển thị trên màn hình chứ cũng không mong thu hồi lại được.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước