Làm thế nào để bảo tồn và phát huy di sản phi vật thể phù hợp thời đại ngày nay. Đó là câu hỏi hóc búa cho rất nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu hay các nghệ sĩ, các chủ thể nắm giữ di sản.
Với những người trẻ - thế hệ tiếp theo, để kế thừa những di sản đó, họ đã có những câu trả lời rất riêng của mình. Ngày càng có thêm nhiều những dự án, những ấp ủ của những người trẻ để các di sản phi vật thể của cha ông có thể phát triển một cách bền vững.
"Dệt nên triều đại" là một trong số những dự án như vậy, với mong muốn tái hiện lại những nét đẹp trong trang phục và lễ nghi cung đình thời xưa, các sinh viên, du học sinh của Vietnam Centre đã tái hiện và phục dựng lại các trang phục ngày xưa dựa trên những nghiên cứu nghiêm túc.
Di sản Hát Bội lên tranh vẽ.
Cũng với mong muốn giữ lại những nét văn hóa đặc sắc xưa cũ của dân tộc, "Vẽ về Hát Bội" lại là một dự án dài hơi. Đây nơi các nghệ sĩ trẻ với hi vọng xây dựng nên một "kho báu văn hóa dân tộc" đã lưu giữ những giá trị cao quí của Hát Bội bằng nhiều cách như đồ họa, tranh vẽ, hoạt họa, trình diễn… thay đổi cách nhìn nhận của các bạn trẻ về Hát Bội.
"Họa sắc Việt" lưu giữ văn hóa truyền thống bằng đồ họa.
Còn "Họa sắc Việt" lại là cách mà các bạn trẻ lưu giữ lại văn hóa truyền thống bằng hình thức số hóa. Với mong muốn tạo ra một kho lưu trữ dân gian trong thiết kế bằng kỹ thuật đồ họa, các thiết kế trẻ đã lưu trữ lại những nét đẹp của tranh Hàng Trống và mở ra nguồn tư liệu ứng dụng màu và hoạ tiết của dòng tranh này lên các sản phẩm khác như đồ họa, thời trang, thủ công mỹ nghệ…
Mỗi người một cách khác nhau, tuy nhiên, việc các bạn trẻ đang làm mở ra một hướng đi mới cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của văn hóa truyền thống phi vật thể với nhiều ứng dụng thực tiễn trong đời sống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!