Được sự chấp thuận của các bộ, ngành và sự đồng thuận của 90% người dân được lấy ý kiến, thế nhưng phương án quy hoạch tổng thể mặt bằng ga C9 trong tuyến đường sắt đô thị số 2 của Hà Nội lại đang bị cho là vi phạm Luật Di sản văn hóa.
Ngay trong ngày 20/8, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cảnh báo phương án được Hà Nội chọn đã vi phạm hành lang bảo vệ di tích đặc biệt hồ Hoàn Kiếm. Ngay lập tức, ý kiến này đã nhận được sự ủng hộ của các nhà chuyên môn và những người yêu Hà Nội.
Độ dài đúng bằng 3 viên gạch (tương đương 1m) là khoảng cách từ hầm nhà ga đến gò đá chân Tháp Bút. Vị trí này đến các di tích đặc biệt và đặc sắc của hồ Hoàn Kiếm cũng không xa hơn. Nằm ngay trong khu vực bảo vệ 2 của di tích quốc gia là lý do chính khiến những người làm quy hoạch kiến trúc phản đối với phương án này của Hà Nội.
Trước đó vào tháng 5 vừa qua, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cùng nhiều nhà khoa học khác tại tọa đàm lấy ý kiến về nhà ga C9 đều cho rằng, ngoài vi phạm Luật Di sản văn hóa, phương án được chọn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục như: sụt lún, thay đổi cấu trúc địa chất, thậm chí là cạn nước hồ Gươm. Ở góc độ khoa học giao thông vận tải, các chuyên gia cũng cho rằng vị trí này có nguy cơ tác động không tốt về mặt xã hội. 7 năm trước từng phản đối phương án này, đến nay, ông Thân Văn Thanh (nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam) vẫn giữ nguyên quan điểm.
Khẳng định ủng hộ chủ trương phát triển giao thông đô thị, song nhiều người trẻ yêu Hà Nội vẫn đặt câu hỏi, tại sao cứ phải chọn khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Hà Nội đang xây dựng lộ trình phát triển đô thị tăng trưởng xanh, bền vững và thông minh. Việc sẵn sàng tiếp nhận những lo ngại có cơ sở là cách để thành phố xây dựng một Hà Nội tốt đẹp hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!