Theo thống kê, hiện cả nước có gần 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 190 trường cao đẳng nghề, 280 trường trung cấp nghề, gần 1.000 trung tâm dạy nghề, còn lại là các cơ sở có tham gia dạy nghề.
Số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đông đảo là vậy, nhưng lượng học viên tham gia học nghề rất ít. Một số trường lượng học viên vài năm gần đây chỉ bằng 5% - 10% so với những năm trước đó. Nhiều trường thậm chí còn không thể tuyển nổi học viên và chỉ nằm chờ quyết định giải thể.
Cá biệt trong năm 2017, có những trường nghề ở 8 tỉnh, thành trên cả nước tuyển sinh chưa được 100 chỉ tiêu cao đẳng. Trong đó, 3 tỉnh là Cao Bằng, Lai Châu và Đăk Nông không tuyển được ai học cao đẳng nghề. Việc trường nghề vắng học sinh cần xét trên nhiều góc độ. Có nhiều trường không tuyển sinh được là vì lý do khách quan, vì trong quá trình vận động của thị trường, nhiều ngành nghề trước đây rất được ưa chuộng, nhưng hiện nay lại bị hạn chế. Còn lý do chủ quan, lại xuất phát từ chính công tác quản lý và thực trạng yếu kém của các trường.
Trước thực trạng nhiều trường nghề tuyển sinh không đạt chỉ tiêu, thậm chí vắng bóng học viên, từ vài năm nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã thực hiện sắp xếp lại những trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả theo hướng sáp nhập, thậm chí giải thể. Những trường trung cấp chỉ sống bằng liên kết cho thuê địa điểm trong 3 năm tuyển sinh không hiệu quả, tức là dưới 50 % chỉ tiêu, sẽ thuộc đối tượng tái cấu trúc. Tất cả hướng đến việc đổi mới hệ thống giáo dục nghề nghiệp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, nhưng đến nay, việc triển khai đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Trường nghề “ế ẩm”: Vì đâu nên nỗi? VTV.vn - Hiện nay, thị trường cần nhiều lao động có tay nghề và kỹ năng tốt. Tuy nhiên, không ít trường nghề đang trong tình trạng khó tuyển sinh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!