Trong khi những băn khoăn của các bậc phụ huynh về chương trình Sữa học đường chưa được giải tỏa, mới đây Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Chính phủ cho phép các loại sữa dạng lỏng khác ngoài sữa tươi được tham gia chương trình để tạo sân chơi công bằng.
Tại trường mầm non Cẩm Lĩnh A, huyện Ba Vì, sau rất nhiều nỗ lực tuyên truyền, tới nay mới có khoảng 50% phụ huynh đăng ký cho con tham gia chương trình Sữa học đường. Cũng trong hoàn cảnh khó đạt được chỉ tiêu đề ra là 90% học sinh đăng ký uống sữa, tỉ lệ tham gia của trường Tiểu học Sơn Đà đang dừng ở 32%, trong đó 20% là được miễn phí, chỉ còn lại 12% là đăng ký tự nguyện.
Không đủ nguồn lực về tài chính cũng đang là rào cản khiến tỉ lệ học sinh được thụ hưởng chương trình Sữa học đường còn rất thấp. Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, khó khăn này có thể được tháo gỡ nếu phụ huynh có nhiều lựa chọn hơn về giá cả và loại sản phẩm sữa. Tuy nhiên, quy định về sữa trong chương trình phải là sữa tươi đang làm khó cho nhiều đơn vị sản xuất.
Trước đề xuất của Bộ Y tế, đại diện Cục Chăn nuôi vẫn khẳng định, khi chưa có văn bản nào thay thế, bổ sung, chương trình vẫn phải tuân thủ theo quyết định của Chính phủ, nghĩa là sử dụng sữa tươi. Nguyên nhân là do ngành chăn nuôi hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu sữa tươi nguyên liệu chế biến cho chương trình Sữa học đường. Năm 2020, dự kiến sản lượng sữa nguyên liệu của nước ta đạt trên 1 triệu tấn. Trong khi đó, với khoảng 11 triệu học sinh, sản lượng sữa cần cho chương trình Sữa học đường chỉ hơn 0,5 triệu tấn.
Với nhiều năm nghiên cứu về chương trình sữa học đường trên thế giới, TS.BS. Trương Hồng Sơn, một chuyên gia độc lập, cho rằng, điều quan trọng nhất của chương trình Sữa học đường không phải là chọn loại sữa nào tối ưu nhất mà là chọn cách thức tổ chức thực hiện phù hợp với từng địa phương.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!