Chất thải trong sản xuất công nghiệp được xếp vào loại chất thải nguy hại, việc xử lý loại chất thải này phải tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt.
Khi vụ án đổ dầu thải gây ô nhiễm nguồn nước sạch sông Đà vẫn đang được tiếp tục điều tra làm rõ, tại tỉnh Bình Phước - nơi người dân được hưởng môi trường trong lành, vì vùng đất này chủ yếu là những rừng cao su bạt ngàn, cũng đang phải đối mặt với nạn xả trộm chất thải công nghiệp. Đất rộng, dân cư thưa trở thành điểm lý tưởng cho các đối tượng xả thải trộm mà ít khi bị phát hiện, xử lý.
Thấy nhiều xe tải lớn ra vào bất thường khu mỏ đá ở xã Đồng Tâm, tỉnh Bình Phước, người dân tiến hành theo dõi và phát hiện các xe này đang đổ trộm chất thải tại đây.
Tại khu mỏ, chai lọ, ống nghiệm, hóa chất vương vãi khắp nơi. Dù phần lớn rác đã được vận chuyển đi, nhưng nước thải vẫn âm ỉ tràn ra suối. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, người dân còn phát hiện rất nhiều các loại rác thải y tế được chôn lấp từ lâu ở đây.
Mỏ đá chỉ cách UBND xã Đồng Tâm chưa đầy 2km nhưng lại được các đối tượng chọn để đổ chất thải khiến lãnh đạo địa phương cảm thấy bất ngờ. Bất ngờ hơn, lượng rác đổ trộm lên đến hàng chục tấn.
Trong khi đó, một vụ xả trộm chất thải khác đã khiến hàng trăm mét cây cỏ ven đường chết cháy. Nước giếng của người dân ven đường có hiện tượng sủi bọt, bốc mùi nồng nặc, không thể ăn uống sinh hoạt.
Khu nhà bỏ hoang là một điểm thường xuyên xuất hiện những xe đổ trộm chất thải vì nằm ngay ven quốc lộ. Không ai biết họ đổ chất thải gì ở đây. Số vụ việc đổ trộm chất thải được người dân thông báo ngày càng nhiều khiến chính quyền địa phương đau đầu, nhưng chưa có biện pháp hữu hiệu để dẹp nạn này.
Thủ đoạn của các xe đổ trộm chất thải là thường chọn những tuyến đường vắng, vừa đi vừa xả chất thải xuống ven đường nên rất khó phát hiện. Đối với hành vi đổ trộm chất thải dạng này nếu không bắt được quả tang thì rất khó để xử lý triệt để.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!