Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh còn có một tên gọi khác là "làng tỷ phú" với những căn nhà tiền tỷ được mọc lên. Sự giàu có đó đã được tạo ra từ nghề tái chế phế liệu nhôm khi nó đã làm thay đổi bộ mặt của địa phương và đổi đời cho người dân từ khoảng gần hai chục năm trở lại đây.
Cách đó vài chục cây số, làng giấy Phong Khê ở TP Bắc Ninh cũng là nơi cho ra đời nhiều tỷ phú siêu giàu. Với hơn 500 doanh nghiệp và hộ tái chế giấy, đã giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động, nộp cả trăm tỷ đồng vào ngân sách địa phương qua các năm.
Thế nhưng, kinh tế đi lên bao nhiêu thì không khí, môi trường ở những ngôi làng này lại đi xuống bấy nhiêu. Theo công bố của Bộ Tài nguyên và Môi trường, làng Mẫn Xá thuộc trong danh sách 10 "làng ung thư" ô nhiễm nhất ở Việt Nam.
Còn theo kết quả nghiên cứu của Tiến sĩ Trần Văn Thiện, tất cả các cơ sở tái chế tại Văn Môn đều có nồng độ khí CO, NO2, SO2 và các kim loại nặng vượt quá nhiều lần so với tiêu chuẩn cho phép. Một nghiên cứu khác của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế cũng chỉ ra, 100% mẫu không khí tại đây có hàm lượng chì vượt giới hạn cho phép.
Vậy nhưng, hàng trăm ống khói "3 không": không có hệ thống xử lý khí thải, không có hệ thống quan trắc, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường từ hai khu vực này vẫn đang ngày đêm xả khí thải qua những cột khói cao, theo gió bay xa hàng trăm mét.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!