Bên cạnh công tác tổ chức, không thể không nhắc tới lực lượng lao động nhập cư - những con người được gọi là "người hùng thầm lặng" đã đóng góp từ những bước đầu của sự kiện này.
Những ca làm kéo dài 12 tiếng đồng hồ kết thúc cũng là lúc những lao động nhập cư có thể tạm thời bỏ bộ quần áo lao động và cố gắng nắm bắt chút không khí của trận bóng qua màn hình điện thoại dù họ chỉ đứng cách sân đấu thật có vài chục mét.
Anh Shirali Kiramov - lao động nhập cư từ Uzbekistan - nói: "Tôi đến đây vì tình yêu với bóng đá. Dĩ nhiên chúng tôi không thể vào bên trong xem trực tiếp nhưng ít ra là cũng đang ở Nga".
Những người lao động như anh Shirali Kiramov không ai phàn nàn việc không được xem các trận đấu trong sân vận động bởi họ hiểu tất cả đến Nga mùa FIFA World Cup™ 2018 chủ yếu là để kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Vì vậy, nhiều người chấp nhận làm những công việc không giấy tờ, không bảo hiểm và dĩ nhiên cũng không đảm bảo điều kiện lao động.
"Chúng tôi ghi nhận nhiều vụ việc tiêu cực như quỵt tiền lương của công nhân, chậm trễ trả lương, điều kiện làm việc tồi tệ, thậm chí nguy hiểm và cả việc trừng phạt những công nhân dám phàn nàn về điều đó", bà Yulia Gorbunova - Nhà hoạt động vì quyền lợi con người - nói.
Bất chấp những cam kết của FIFA rằng sẽ đảm bảo quyền lợi cho người lao động, câu chuyện bóc lột nhân công nhập cư vẫn không phải chuyện của riêng kỳ World Cup nào hay chỉ ở Nga mới có. Bởi cứ trước mỗi mùa bóng lăn, hàng triệu người nhập cư vẫn đổ về các quốc gia đăng cai World Cup như một nguồn lao động giá rẻ và sẵn sàng bắt tay vào những công việc chuẩn bị cho sự kiện này.
Anh Dilshod Akramov - lao động nhập cư từ Uzbekistan - nói: "Chúng tôi đến từ những đất nước và ngành nghề khác nhau nhưng đều làm việc rất chăm chỉ để dựng lên những sân vận động to đẹp".
"Lao động nhập cư đóng vai trò rất lớn trong công tác chuẩn bị cho FIFA World Cup™ 2018. Hay nói cách khác họ là lực lượng lao động chủ lực dù họ chỉ làm những công việc không cần bằng cấp. Các nhà tổ chức thuê người nhập cư vì họ chấp nhận mức lương ít hơn so với nhân công trong nước và sẽ giảm bớt chi phí cho sự kiện", ông Valery Solovel - Giảng viên Viện nghiên cứu Quan hệ công chúng Moskva - nói.
Với các đội bóng và người hâm mộ, việc chạm tới chiếc cúp vàng là giấc mơ đẹp nhất của mỗi kỳ World Cup. Nhưng những người lao động nhập cư, giấc mơ của họ đôi khi chỉ đơn giản là việc có cơ hội được xem sự kiện này trong chính những sân vận động do mình góp phần xây lên.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!