Phát triển bảo tàng trong bối cảnh xã hội hiện đại là một câu chuyện chưa cũ khi cuối năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra đề án: "Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch". Vậy hành trình đưa bảo tàng thay đổi toàn diện liệu có khó?
Bảo tàng vắng khách: Những nghịch lý chung kết quả
Anh Phan Văn Chương, Hà Nội nói: "Bảo tàng Thiên nhiên chưa đủ lớn để khách đến xem mở rộng tầm mắt".
"Tôi cũng muốn thăm quan lâu nhưng đi khoảng 1 tiếng thôi là không còn gì để tìm hiểu nữa", anh Bùi Xuân Mạnh, Hà Nội cho hay.
Việc chưa thỏa mãn của khách thăm quan đến với Bảo tàng Thiên nhiên như anh Chương, anh Mạnh cũng là điều dễ hiểu. Bởi là bảo tàng cấp quốc gia nhưng toàn bộ không gian trưng bày tại Bảo tàng Thiên nhiên chỉ là một phòng có diện tích 300m2. Được thuyết minh, hướng dẫn tỉ mỉ, thời gian thăm quan cũng chỉ 30 - 60 phút.
Diện tích quá nhỏ nên có tới 99% số mẫu vật của bảo tàng nằm im trong kho. 1% mẫu vật được trưng bày với thông tin khá nghèo nàn, đơn điệu, nhiều khi chỉ là cái tên.
Là một trong số ít các bảo tàng về khoa học tự nhiên ở nước ta song Bảo tàng Thiên Nhiên Việt Nam vẫn chưa phải là điểm thu hút khách tự thân. 80% khách đến bảo tàng là học sinh các cấp trong các hoạt động tham quan, trải nghiệm liên kết.
Trái ngược với Bảo tàng Thiên nhiên, Bảo tàng Hà Nội có diện tích mặt sàn trưng bày lớn gấp 100 lần. Tuy nhiên, lượng khách thăm quan lại tỷ lệ nghịch với độ lớn diện tích.
Vắng bóng người, nhiều khu trưng bày chỉ có hiện vật, ánh đèn và bảo vệ. Trong chiều phóng viên VTV ghi hình, số khách ghi nhận chỉ đếm trên đầu ngón tay là 4 người.
Ông Nguyễn Tiến Đà, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội nói: "Lúc này chúng tôi đang trưng bày tạm thời thôi. Tuy rằng chậm nhưng hiện chúng tôi đã cơ bản có đầy đủ về tư liệu và hiện vật. Nếu hoàn thiện bảo tàng trước sẽ không có nhiều cơ hội tiếp cận những tư liệu và hiện vật như vậy".
Cái "chậm", "chắc" để có được những sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh, hấp dẫn đưa ra giới thiệu công chúng mà đại diện Bảo tàng Hà Nội nói đến chắc chắn vẫn phải chờ 2 năm nữa để chứng thực. Còn hiện tại, ấn tượng về công trình này vẫn gói gọi trong hai chữ "đìu hiu" sau 9 năm khánh thành.
Theo đại diện của Cục Di sản văn hóa, chuyện vắng khách hay chưa thể giữ chân khách tham quan cũng không phải là chuyện riêng của Bảo tàng Hà Nội hay Bảo tàng Thiên Nhiên mà là chuyện phổ biến của nhiều bảo tàng.
Không dễ để phát triển bảo tàng gắn với du lịch
Không thể phủ nhận việc xã hội hiện đại với rất nhiều loại hình văn hóa giải trí đã kéo vơi sự quan tâm của công chúng với bảo tàng. Song cũng khó có thể khẳng định các bảo tàng đã làm tốt vai trò đưa ra những sản phẩm văn hóa có sức hấp dẫn, lôi cuốn phục vụ người xem. Sự lãng phí, thậm chí là thu hẹp những giá trị văn hóa có lịch sử lâu đời trong khuôn khổ bảo tàng sẽ là hệ lụy tất yếu.
Vì vậy, đổi mới nội dung - hình thức trưng bày, tăng lượng khách tham quan lên 10% hàng năm và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ bảo tàng là 3 mục tiêu cụ thể của Đề án "Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch" của Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch, bắt đầu được thực hiện từ năm nay.
Dù khẳng định nếu những nhiệm vụ trong đề án được thực hiện, lượng khách đến bảo tàng sẽ thay đổi tích cực nhưng đại diện Bảo tàng Hà Nội cũng cho biết, hiện vẫn còn nhiều cái khó chưa thể triển khai.
Ông Nguyễn Tiến Đà - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội nói: "Khi Bảo tàng Hà Nội hoàn thành xong việc trưng bày sẽ xây dựng kế hoạch làm việc với các công ty du lịch để đưa khách đến bảo tàng".
Bảo tàng thì vẫn chờ để hoàn thiện trưng bày, song khách tham quan lại không thể đợi sự hoàn tất rồi đưa ra nhận định. Trong số ít những du khách đánh giá về Bảo tàng Hà Nội trên một chuyên trang du lịch, phần lớn thể hiện sự không hài lòng. Và chắc chắn, đây sẽ trở thành bài toán khó cho Bảo tàng Hà Nội để xóa bỏ cái nhìn của không ít khách du lịch vốn có thói quen tìm hiểu địa điểm thông qua đánh giá trên các trang web.
Với Bảo tàng Thiên nhiên, cái khó trong việc đưa đề án "Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch" vào thực hiện lại nằm ở nỗi lo sẽ quá đông khách. Bảo tàng chỉ 300m2, một lượt phục vụ tối đa chỉ 30 người. Nhiều du khách hơn, đồng nghĩa chất lượng không thể đảm bảo.
Rõ ràng, với những thực trạng khác nhau của mỗi bảo tàng, việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa này gắn với phát triển du lịch sẽ đòi hỏi một sự áp dụng linh hoạt.
Dù có 3 mục tiêu lớn cả về nội dung - hình thức hoạt động, lượng khách thăm quan cũng như chất lượng cán bộ bảo tàng - đã được đưa ra trong đề án thì theo đại diện của Cục Di sản Văn hóa vẫn rất khó để kỳ vọng vào một sự lột xác toàn diện chỉ sau 3 năm đề án.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!