Chị Xiao Gunzhu (39 tuổi) đã lựa chọn có con bằng cách thụ tinh nhân tạo thay vì lập gia đình. Nhưng tại Trung Quốc, chị không có nhiều lựa chọn bởi Bộ Y tế nước này quy định, ngân hàng tinh trùng chỉ được phép cung cấp cho việc điều trị vô sinh hiếm muộn và ngăn ngừa các bệnh về di truyền.
Oscar - con chị Xiao Gunzhu vì thế được sinh ra từ tinh trùng của một người nước ngoài. Cái tên của bé được đặt theo một nhân vật trong truyện tranh Pháp như một cách để ghi nhớ về gốc gác của mình.
Thay vì việc giấu danh tính và các thông tin liên quan như ở Trung Quốc, khách hàng được cung cấp mọi thông tin về người hiến như màu tóc, hình ảnh lúc nhỏ hay chủng tộc. Khảo sát cho thấy, phụ nữ Trung Quốc thường chọn người hiến tinh trùng là đàn ông da trắng và mắt hai mí, bởi đây là tiêu chuẩn về cái đẹp của họ. Đó cũng là một lý do khác khiến lượng khách Trung Quốc mua tinh trùng từ các ngân hàng tinh trùng ở châu Âu và Mỹ ngày một tăng, dù chi phí không hề rẻ, mức tối thiểu 28.500 USD.
Trung Quốc cấm nhập khẩu tinh trùng do đó, họ còn phải đi lại vài lần để tiến hành các bước thụ tinh nhân tạo. Nhưng chi phí, khoảng cách không phải là khó khăn duy nhất trên hành trình "có con" của họ.
Chị Alan Zhang, Nhà hoạt động xã hội tại TP Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết: "Xã hội Trung Quốc hiện nay không mấy thiện cảm với các phụ huynh đơn thân. Nếu bạn có con khi chưa lập gia đình, người ta sẽ đánh giá bạn".
Nhưng đối với chị Xiao, dù có chịu nhiều áp lực, chị vẫn tự nhủ sẽ cố gắng hết sức để nuôi dạy và đem lại một tương lai tươi sáng cho bé Oscar - đứa con mà chị đã vượt qua nhiều khó khăn để có được.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!