Các hành khách của chuyến bay JT610 chỉ có 13 phút ngồi trên máy bay trước khi thảm kịch xảy đến. Vụ tai nạn kinh hoàng này một lần nữa lại khiến người ta quan ngại về sự an toàn của các hãng vận tải hàng không giá rẻ, đặc biệt là ở Indonesia. Lý do bởi tai nạn xảy ra lần này còn rơi vào một chiếc máy bay mới của Boeing trong khi đa phần chuyên gia trong lĩnh vực hàng không thường nhận định tai nạn dễ xảy đến với máy bay cũ, thiếu bảo dưỡng.
Được mệnh danh là "máy bay tầm ngắn của tương lai", Boeing 737 MAX 8 đã từng đem tới niềm tự hào cho Lion Air, hãng hàng không giá rẻ của Indonesia, khi là công ty đầu tiên ở đất nước này, sử dụng dòng máy bay mới của hãng Boeing. Tuy nhiên, khi tai nạn xảy đến người ta mới thấy còn quá nhiều vấn đề với cách vận hành và sử dụng máy bay của Lion Air.
Hiện trường tìm kiếm nạn nhân vụ tai nạn máy bay JT610. Ảnh: Reuters
Đầu tiên là về nhân lực, dù 2 phi công của chiếc máy bay gặp nạn đã có kinh nghiệm lâu năm nhưng họ lại có rất ít thời gian luyện tập và bay với chiếc Boeing 737. Điều này có thể ảnh hưởng tới thao tác xử lý sự cố.
Vấn đề thứ hai là chiếc máy bay này dù mới nhưng đã ghi nhận trục trặc kỹ thuật. Dù như vậy, Lion Air vẫn chưa đánh giá trục trặc này là nghiêm trọng và vẫn cho phép thực hiện bay. Thậm chí, lãnh đạo cấp cao của hãng hàng không cho biết họ đã thực hiện hết các nhiệm vụ cần làm.
Chiếc máy bay gặp nạn của Lion Air mới chỉ có 800 giờ bay. Giờ, nó đã viết thêm vào danh sách dài những sự cố nghiêm trọng, tai nạn chết người trong 18 năm hoạt động của hãng này. Năm 2004, chỉ 4 năm sau khi đi vào hoạt động, Lion Air chứng kiến vụ tai nạn chết người đầu tiên khiến 25 người đã thiệt mạng.
Lịch sử của ngành hàng không Indonesia với độ an toàn không cao, từng bị cấm bay trên lãnh thổ Liên minh châu Âu, khiến cho các chuyên gia tin rằng sai lầm của con người hoặc thiếu sự giám sát chặt chẽ có thể là nguyên nhân gây ra thảm kịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!