Năm nay, diễn biến thời tiết đặc biệt thất thường, những cơn bão nối tiếp nhau từ cuối năm trước cho đến tận bây giờ. Vươn khơi xa đã khó, những ngư dân hành nghề ven bờ với phương tiện thô sơ càng gặp nhiều khó khăn trong cuộc vật lộn mưu sinh trong những ngày này.
Một nỗi lo khác đối với ngư dân vào mùa biển động, đó là sóng lớn kết hợp với triều cường gây sạt lở. Những con sóng cao từ 5 đến 10 mét sẵn sàng nuốt chửng tất cả. Hàng trăm km bờ biển, đê kè bị đánh sập, hàng trăm hộ dân đã bị mất nhà, hoặc đang phải sống trong nơm nớp âu lo.
Mùa biển động, ra khơi trắng tay, về bờ thì lo sóng dữ mất nhà. Từ Quảng Trị đến Cà Mau từ tháng 10 năm 2017 đến nay, địa phương nào cũng từng xảy ra sạt lở, xâm thực, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Giải pháp lâu dài là làm kè kiên cố, nhưng kinh phí đang phải chờ Trung ương. Trước mắt, các địa phương chỉ gia cố tạm và sẵn sàng di dời người dân khi có sự cố.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, cần tổ chức lại cộng đồng ngư dân, để tránh khai thác thủy hải sản theo kiểu tận diệt, giữ nguồn lợi lâu dài. Tại Bình Thuận, đang có một làng chài như thế, nơi mà hơn 500 ngư dân vừa khai thác hợp lý, vừa nuôi và bảo vệ sò điệp, từ đó ổn định cuộc sống.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!