Tết của những người thu gom rác

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 21/01/2020 14:34 GMT+7

VTV.vn - Tết là sum vầy là đoàn viên, là êm ấm bên gia đình nhưng với những người thu gom rác dân lập, Tết có thực sự như thế?

Công việc nào cũng có khó khăn, vất vả nhưng riêng với công nhân vệ sinh môi trường, những người thu gom rác dân lập, có lẽ những áp lực lớn hơn rất nhiều. Đặc thù công việc là làm việc ngoài trời, nắng mưa thất thường, thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với khói bụi và vô số rác thải độc hại. Thế nhưng, không nhiều người thực sự hiểu và chia sẻ với những nặng nhọc mà các công nhân vệ sinh môi trường phải đối mặt hàng ngày. 

Những góc khuất nghề rác

Chị Dương Thị Thu Huyền, người thu gom rác quận 12, TP.HCM chia sẻ:  "1 tuần đầu đi làm rác, chị không ăn được cơm. Chị mang bao tay lên, rồi quăng bịch rác lên thấy nào chuột chết, giòi... chị rùng mình, về chị bỏ cơm luôn. Nhịn đói đúng 1 tuần. Ói miết cũng quen, giờ đói ngồi trên xe rác ăn luôn" 

Vậy là kể từ cái ngày đầu ấy đến nay, đã 20 năm trôi qua, cuộc sống mưu sinh cũng khiến chị chẳng còn nhiều lựa chọn, hay thời gian để e dè với nghề. Mọi thứ thấm thoắt trôi, thế nhưng, dù có qua từng giai đoạn thì nghề rác vẫn luôn đầy ắp những nguy hiểm luôn song hành mỗi khi chị đi làm. Không những vậy, không ít lần chị rơi nước mắt bởi những ánh mắt thiếu thiện cảm, những hành động buồn lòng của người khác dành cho chị và cả những đồng nghiệp.

"Có nhiều lúc nghĩ tủi thân lắm, đậu xe lấy rác trước nhà người ta, người ta đuổi rồi lấy thùng rác hắt ra, quét vào người mình. Mình đứng đó nhưng mình cũng cắn răng chịu đựng, cũng nghĩ tiêu cực lắm, nhiều khi muốn bỏ nghề luôn" - Chị Huyền chia sẻ.

Tết của những người thu gom rác - Ảnh 1.

Những người làm nghề thu gom rác dân lập hầu hết đều là những người dân đã lớn tuổi đến từ các tỉnh. Chẳng bằng cấp, trình độ, chẳng có quá nhiều lựa chọn nghề nghiệp, thu gom rác cũng giúp họ kiếm tiền bằng sức lao động chân chính, chỉ là đâu đó, vẫn còn những ánh nhìn khắt khe vô tình nối dài thêm những giọt nước mắt của những người vốn đã rất cùng cực.

Đó là những câu chuyện hàng ngày, hàng giờ họ trải qua. Khi những ngày Tết đang đến gần, áp lực với những người thu gom rác dân lập còn cao hơn rất nhiều khi lượng rác thải gia tăng. Nhìn những con đường ngõ phố sạch sẽ, hay trong mỗi ngôi nhà được dọn dẹp tinh tươm, bao nhiêu người sẽ nghĩ đến những người công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang rong ruổi làm công việc thu gom rác của họ.

Nỗi buồn mang tên Tết

18 năm, chị Phan Thị Thanh (người thu gom rác quận 12, TP.HCM) chưa một lần về quê cùng ăn Tết. Ngày ba mẹ mất, chị cũng chỉ tranh thủ được 2 ngày để về thắp cho mẹ nén nhang rồi vội vàng quay trở lại. Bởi nếu không, chị sẽ chẳng giữ được công việc này và cuộc sống của cả 4 người trong gia đình cũng vì thế mà sẽ vất vả hơn. Với chị, Tết quê chỉ còn lại trong ký ức của thời con gái.

"Người ta nói đến Tết thì biết đến Tết vậy thôi chứ có được nghỉ đâu. Con cái đòi quần áo thì đêm 30 làm rác xong mới đi mua quần áo cho con cái. Nhiều khi khóc vì tủi thân".

Tết của những người thu gom rác - Ảnh 2.

Còn đối với bà Nguyễn Thị Bé, một bữa cơm gia đình còn khó hơn bất cứ điều gì, huống hồ một cái Tết đoàn viên. Và ở đây, hàng trăm, hàng ngàn người làm rác dân lập cũng đã quen với những cái Tết xa nhà, xa quê. Với họ, đôi khi Tết là dành cho mình 1 ngày để ngơi nghỉ để hồi sức sau 1 năm dài lao động, còn Tết sum vầy có lẽ là điều quá xa vời.

Bên cạnh những nốt trầm của người làm nghề thu gom rác, đđến thời điểm này, đã có một tín hiệu vui, khởi sắc đến với những người dân làm nghề này. Đến nay, lộ trình chuyển đổi phương tiện thu gom rác đã và đang được điều chỉnh để phù hợp hơn cả về thời gian và cách thức thực hiện. Chính sách cho người thu gom rác cũng vì thế nà được quan tâm, cải thiện hơn trong năm mới 2020.

Những khởi sắc sau 1 năm chuyển đổi phương tiện

Từng có cảm giác chơi vơi như đứa con bị bỏ rơi, từng đau đáu với chính sách chuyển đổi phương tiện của thành phố, đến nay, sau gần 1 năm chông chênh, mọi thứ đang có vẻ ổn hơn với những nghiệp đoàn rác dân lập khi các ban ngành lắng nghe và hỗ trợ thay vì cứ rập khuôn thực hiện như trước.

Từ Nghiệp đoàn được thành lập lên HTX, có trụ sở hoạt động khang trang, có cơ hội tiếp cận tìm hiểu để ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành... những điều tưởng không thể nay đã thành hiện thực. 

Tết của những người thu gom rác - Ảnh 3.

Với những người trong HTX, đời sống cũng dần được quan tâm hơn như trường hợp của bà Nguyễn Thị Cúc (HTX Môi trường quận 10, TP.HCM). Gần cả cuộc đời gắn bó với nghề thu gom rác, chẳng có giấy tờ tùy thân, quyền công dân cũng vì thế mà không có. Ngỡ đến hết cuộc đời, phải sống như vậy, thế nhưng năm nay, bà sẽ được hỗ trợ làm bảo hiểm y tế, điều mà chưa bao giờ bà dám nghĩ tới.

Đằng sau sự gọn gàng, sạch đẹp của thành phố là một phần của những giọt mồ hôi của những người làm nghề thu gom rác, đặc biệt là rác dân lập. Sự ghi nhận, dù nhỏ cũng khiến họ cảm thấy được trân trọng hơn, ấm lòng hơn trong những ngày mùa Xuân năm mới.

Nhọc nhằn nghề thu gom rác Nhọc nhằn nghề thu gom rác

VTV.vn - Lượng rác không phân loại phát sinh ngày một nhiều nên những công nhân phải cơi các thùng đựng rác lên gấp đôi mới kịp vận chuyển.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước