Tiêu điểm: Làm việc nghĩa hay làm loạn?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 29/10/2019 14:27 GMT+7

VTV.vn - Ranh giới giữa làm việc nghĩa và làm loạn rất mong manh. Việc có vượt ra từ thái cực này sang thái cực khác phụ thuộc vào cách hành xử có đúng pháp luật hay không.

Làm việc nghĩa hay làm loạn là câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi xem những hình ảnh một nhóm tới 100 người xông vào đánh một người đàn ông. Đáng nói là họ không quen biết người đàn ông này mà chỉ vì bức xúc vì thấy trên mạng xuất hiện clip người đàn ông này đánh con.

Với lý do bức xúc về hành vi bạo hành trẻ em, cả trăm người không quen biết lên mạng rủ nhau đến tận nơi ở trọ của người "đàn ông đánh con" để dạy dỗ, trừng phạt.

Sau sự việc xảy ra, nhiều người không khỏi lo lắng về cách hành xử mang tính chất côn đồ của những người mang danh là "500 anh em cộng đồng mạng" tự ra tay để đòi lại công lý.

Cũng liên quan đến vụ việc này thì chính ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, người đã treo thưởng 20 triệu đồng cho ai đến hành hung ông bố đánh con cũng đã phải lên tiếng xin lỗi và nhận trách nhiệm vì đã thiếu hiểu biết pháp luật.

Những hành động có vẻ mang động cơ trong sáng, thậm chí là rất tốt đẹp nhưng với hành động là đánh người tập thể, đánh cho chừa, rõ ràng không phải là cách giải quyết vấn đề của một xã hội có luật pháp.

Rất nhiều người khi tiếp nhận những thông tin trên mạng xã hội kêu gọi bảo vệ người này, xử lý người khác lại không tính đến những yếu tố pháp luật mà chủ yếu là làm theo cảm xúc, thấy chuyện bất bình thì ra tay hành động mà không nghĩ đến hậu quả của nó.

Những hành vi kêu gọi bạo lực trên mạng xã hội được đánh giá là nguy hiểm hơn trên đời thực vì tính lan truyền rất nhanh. Đây là những hành vi bị nghiêm cấm đã được quy định rõ trong các bộ luật.

Theo điều 8 Luật An ninh mạng quy định các hành vi kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội bị nghiêm cấm.

Và theo điều 9 Luật An ninh mạng, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, theo điều 155, 156 Bộ Luật Hình sự, những hành vi kích động bạo lực, vu khống làm nhục người khác có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Những quy định pháp luật cho những hành vi bạo lực là rất rõ ràng. Bởi thực tế, việc tự phát hành động, kích động bạo lực, cho dù lấy danh nghĩa gì cũng gây hậu quả rất nghiêm trọng. Không chỉ làm mất an ninh trật tự, gây lộn xộn ở địa phương mà còn gây nguy hiểm cho người khác.

Nếu manh động, thiếu suy nghĩ, những hành động "nhân danh công lý" lại trở thành "phá hoại công lý". Vì thế, mỗi người sử dụng mạng xã hội nên là những người tỉnh táo và có hiểu biết pháp luật mỗi khi tiếp nhận thông tin để không có những hành động bộc phát, thiếu suy nghĩ, đến khi hối hận cũng đã muộn.

'Anh hùng mạng xã hội' - Làm việc nghĩa hay làm loạn? "Anh hùng mạng xã hội" - Làm việc nghĩa hay làm loạn? Cảnh báo tình trạng kích động bạo lực trên mạng xã hội Cảnh báo tình trạng kích động bạo lực trên mạng xã hội Hành vi kích động bạo lực trên mạng xã hội bị xử lý như thế nào? Hành vi kích động bạo lực trên mạng xã hội bị xử lý như thế nào?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước