Với 30% diện tích là mặt nước, hệ thống sông ngòi, kênh rạch dày đặc đan xen, TP.HCM được coi là có tiềm năng rất lớn về du lịch đường thủy. Nhiều kế hoạch đã được đặt ra, nhiều tuyến du lịch đường thủy đã được khởi động. Nhưng thực tế cho thấy, tiềm năng vẫn chỉ là tiềm năng khi nhiều tuyến du lịch đường thủy hiện nay đang hoạt động với hiệu quả rất thấp.
Bến thuyền du lịch tuyến kênh Nhiêu Lộc, Thị Nghè được đầu tư hơn 16 tỷ đồng nhưng ban ngày hầu như vắng hoe. Trung bình mỗi năm, chủ DN đang phải bù lỗ khoảng 2 tỷ đồng.
Tour du ngoạn đường thủy nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè dài hơn 4 km từng được đặt rất nhiều kỳ vọng trong chiến lược phát triển du lịch của thành phố nhưng đến nay vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi mà cả những vấn đề nhỏ nhất như an ninh trật tự hai bên bờ sông vẫn còn chưa thể giải quyết.
Từ năm 2016 đến nay, thành phố còn bỏ ra khoảng 20 tỷ đồng để đầu tư 11 cầu tàu, bến đỗ cho du thuyền trên các tuyến kênh nội đô. Tuy nhiên, hầu hết các bến tàu đều rất vắng. Phần vì còn quá ít tour du lịch, phần vì được xây dựng ở những địa điểm không hợp lý.
Hạ tầng chưa đồng bộ, tổ chức các cầu cảng phục vụ du lịch vẫn đang sử dụng cầu cảng hỗn hợp giữa giao thông thủy và du lịch, chưa có nhà chờ, bến đỗ thực sự thân thiện với du khách.
Du lịch đường sông tại TP.HCM: Không dễ để phát triển! Để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tạo sự hấp dẫn du khách, hướng phát triển du lịch đường sông TP.HCM được thúc đẩy từ năm ngoái. Theo đó, các hạng mục cần đầu tư được định hướng đến năm 2020 dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng vốn ngân sách và 10.000 tỷ đồng vốn xã hội để phát triển du lịch đường sông. Thế nhưng câu chuyện du lịch sông không hề đơn giản.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!