Dự án chống ngập do triều cường của TP.HCM đã triển khai được gần 1 năm và đang gấp rút thi công để rút ngắn thời gian hoàn thành với kỳ vọng sẽ xong trước mùa mưa 2018.
Cống Mương Chuối, huyện Nhà Bè là 1 trong 6 vị trí xây dựng cống ngăn triều siêu đại chống ngập. Bùn thải được lấy từ lòng sông, đưa lên sà lan đến nơi tập kết. Điểm đến là những bờ kênh tại huyện Nhà Bè.
Mỗi ngày có hàng chục ngàn tấn bùn thải được hút lên từ lòng sông Sài Gòn và đem đi san lấp tại các bờ kênh ở Khu công nghiệp Hiệp Phước. Tuy nhiên, TP.HCM hiện còn khoảng hơn 1 triệu tấn bùn thải như vậy và liệu rằng số bùn thải này có bị ô nhiễm hay không phải chờ ý kiến kết luận của cơ quan chức năng.
Theo chủ đầu tư dự án, từ đầu năm đến nay, đơn vị này đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị Công ty Sài Gòn Xanh thuộc Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước báo giá xử lý số bùn thải này. Tuy nhiên, đến nay, chủ đầu tư dự án vẫn chưa nhận được báo giá chính thức mà chỉ được thông báo là số bùn thải này sẽ được áp theo mức xử lý chất thải nguy hại với mức phí rất cao.
Trong khi đó, chủ đầu tư dự án khẳng định đây không phải chất thải nguy hại vì đã nhiều lần đưa bùn đi thí nghiệm đều đưa ra kết quả như vậy. Chính vì thế, đơn vị này đã đưa số bùn thải này đi san lấp ở 3 địa điểm tại huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh để tiết kiệm ngân sách cho thành phố.
Trong khi vẫn chưa thống nhất được hướng giải quyết, vấn đề lo lắng hiện nay là gần 2 triệu tấn bùn thải sắp tới sẽ xử lý như thế nào. Trung tâm Chống ngập TP đã có văn bản đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường có ý kiến xác định xem số bùn thải này thuộc chất thải nguy hại hay không nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!