Lưu lượng phương tiện giao thông quá lớn là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại TP.HCM. (Ảnh: TTXVN)
Kể từ đợt cao điểm ô nhiễm không khí vào tháng 9 vừa qua, chất lượng không khí tại TPHCM vẫn luôn ở mức báo động. Thậm chí ngày càng gia tăng. Điều đáng nói là nếu như trong đợt ô nhiễm vào tháng 9, lý do được đưa ra do thời tiết thay đổi và đặc biệt do ảnh hưởng từ vụ cháy rừng ở Indonesia thì hiện nay, thật khó để chỉ ra nguyên nhân từ bên ngoài.
TP.HCM sáng nay có một lớp không khí màu trắng đục nhìn như sương mù nhưng thực tế do bụi mịn. Theo phần mềm đo chất lượng không khí PAMAIR, sáng nay, TP.HCM bị ô nhiễm nặng với các cảnh báo màu vàng cam và màu đỏ. Đặc biệt một số khu vực được cảnh báo ô nhiễm nặng như Bình Chánh được cảnh báo cả màu tím - tức mức độ ô nhiễm gây nguy hại đến sức khỏe.
Người dân không phải ai cũng nắm rõ các đợt ô nhiễm không khí vì vẫn chưa có những cảnh báo chính thức nào được thông báo sớm nên có người trang bị cho mình khẩu trang để chống ô nhiễm, có người lại không trang bị.
Trong báo cáo gần đây, Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM chỉ ra rằng việc quá nhiều phương tiện cá nhân không thực hiện nghiêm túc chế độ bảo hành bảo dưỡng định kỳ là nguyên nhân làm tăng lượng khí thải ra môi trường nên mức độ độc hại ngày càng lớn
Khoảng 37 điểm thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông gây ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.
TP.HCM mới xác định nguyên nhân gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông và sản xuất công nghiệp. Theo các chuyên gia, khi mức độ ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng, việc đầu tiên phải xác định chính xác nguồn gây ô nhiễm là từ đâu mới có những phương án đối phó và giải quyết.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!