Khuyến nghị của UNESCO với các di sản văn hóa tại Việt Nam
Thời gian gần đây, nhiều công trình đã phải tháo dỡ trước những khuyến nghị của UNESCO về bảo tồn và phát huy những giá trị của di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa thế giới.
Cuối tháng 9/2019, việc tháo dỡ đã hoàn tất ở phim trường Kong: Skull Island nằm trong vùng lõi thuộc Quần thể di sản thế giới Tràng An. Phim trường với những ngôi làng thổ dân châu Phi này được khai thác du lịch hơn 2 năm sau khi bộ phim Kong: Skull Island kết thúc.
Tuy nhiên, để tránh những hiểu sai của du khách rằng phim trường tái hiện những ngôi làng Việt cổ xưa, việc tháo dỡ là việc cần thiết. Đây chỉ là một trong những động thái sau nhiều khuyến nghị được UNESCO cảnh báo tới ban quản lý quần thể danh thắng Tràng An, yêu cầu phải giải quyết và báo cáo lại trước 1/12/2019.
Sau hơn một năm từ khi UNESCO gửi khuyến nghị đi, ngày 20/9 vừa qua, Ban quản lý khu du lịch sinh thái Tràng An đưa ra thông báo sẽ dừng đón khách tham quan vào khu vực phim trường bộ phim Kong sau hơn 2 năm hoạt động.
Lâu nay, du lịch và di sản luôn được nhìn nhận trong mối quan hệ hai chiều: Di sản là tài nguyên vô giá để phát triển du lịch và ngược lại, phát triển du lịch tạo điều kiện quảng bá, phục hồi, phát huy tốt hơn giá trị di sản. Tuy nhiên, từ thực tiễn hoạt động du lịch thời gian qua, dễ nhận thấy phần "thua thiệt" thường thuộc về di sản, khi mà sự tăng trưởng du lịch quá nhanh, đã và đang gây nhiều sức ép lên di sản, nhất là tại những nơi du lịch phát triển "nóng".
Theo trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam, ông Michael Croft, ngoài tập trung vào số lượng khách tham quan, công tác bảo tồn di sản cần tăng cường vai trò quản lý nhà nước cũng như trao thẩm quyền cho chính quyền địa phương.
Một thách thức lớn khác với di sản văn hóa tại Việt Nam là sức ép từ phát triển và cuộc sống hiện đại, của tình trạng tắc đường tới di sản, khi du khách tìm tới quá đông, và sự điều phối vẫn còn lúng túng. Hội An là thí dụ điển hình nhất của sức ép này.
Cần kiểm soát lượng du khách đến với các di sản thế giới tại Việt Nam
Những ngày qua, đoàn chuyên gia của tổ chức UNESCO đã có mặt tại Việt Nam để kiểm tra các di sản trong quý cuối cùng của năm 2019. Họ sẽ rà soát lại việc chính phủ và địa phương có tuân thủ các cam kết đã đưa ra khi đệ trình hồ sơ di sản hay không.
Một vấn đề lớn được các chuyên gia của tổ chức UNESCO chỉ ra rằng, không chỉ Quần thể danh thắng Tràng An mà tất cả các di sản khác tại Việt Nam đều chưa thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát du khách đến với các di sản. Đó chính là việc giúp các du khách nắm rõ thông tin về di sản khi đến thăm.
Theo bà Nao Yahashi, chuyên gia quản lý di sản của UNESCO, bản chất tình trạng gia tăng khách du lịch không tiêu cực bởi nó mang lại chi phí để tái đầu tư. Nếu ghi chép và thống kê được số lượng du khách, nhu cầu mong muốn, địa phương sẽ tính toán được những kế hoạch tái đầu tư cho di sản phù hợp nhất.
Câu chuyện quá tải khách du lịch không còn mới với ngay cả những địa điểm tham quan là di tích, di sản văn hóa trên thế giới. Thường xuyên trùng tu, tôn tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như quản lý chặt chẽ lượng khách tham quan là cách thế giới đang làm để những công trình văn hóa có ý nghĩa này sẽ còn trường tồn qua thời gian.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!