Suốt một thời gian dài, vỉa hè bị chính các nhà quy hoạch và quản lý xem nhẹ, bởi vỉa hè xây dựng đến đâu đều bị chiếm dụng đến đó. Việc chiếm dụng vỉa hè dường như có sẵn trong tâm thức của nhiều người và diễn ra như một lẽ tự nhiên.
Nhiều người tặc lưỡi chấp nhận đó như một hậu quả của sự phát triển kinh tế và đô thị. Khi đất chật người đông, hành vi chiếm dụng của công đang trở thành thứ dễ thông cảm, hoặc nếu có chế tài thì cũng chỉ là lấy lệ như mức phạt 160.000 rồi lại thả ra cho bán lại.
Việc chiếm dụng vỉa hè làm nơi buôn bán kiếm lời nghiễm nhiên được chấp nhận và hình thành khái niệm: kinh tế vỉa hè.
Kinh tế vỉa hè
"Kinh tế vỉa hè" thực ra là một bộ phận của khu vực kinh tế phi chính thức, với sự phát triển tự nhiên từ lối sống, phương thức buôn bán thương mại nhỏ lẻ tồn tại từ lâu đời".
Dù không được "danh chính ngôn thuận" thừa nhận ở khía cạnh tích cực trên các văn bản pháp lý nhưng sức sống và giá trị của nó vẫn bền bỉ, tồn tại do nhu cầu thực tế của người dân đô thị, đó là đáp ứng nhu cầu dịch vụ hàng hóa giá rẻ, tiện lợi và tiết kiệm thời gian.
Việc quản lý và sử dụng vỉa hè sao cho hợp lý là vấn đề không mới tại nước ta (Ảnh: Dân Trí)
Kinh tế vỉa hè gồm hai nhóm đối tượng chính: Nhóm cố định (kinh doanh ở các nhà mặt phố sử dụng vỉa hè làm không gian đệm để làm lối ra vào, chỗ để xe tạm hoặc mở rộng không gian kinh doanh; Nhóm lưu động (gồm các phương thức buôn bán ngay trên vỉa hè như quán nước, gánh hàng rong, quán ăn, bán vé số…)
Nói đúng ra, bộ phận kinh tế phi chính thức này có thể tạo ra đến 20% GDP và khoảng 11 triệu lao động, và kinh tế vỉa hè là khái niệm không phải chỉ có ở Việt Nam
Thành phố New York (Mỹ) đã biến vỉa hè Quảng trường Thời đại thành khu vực mua sắm du lịch sầm uất nhất thế giới.
Cái khác biệt chỉ nằm ở cách quản lý và khai thác vỉa hè như thế nào của cơ quan chức năng. Tại Việt Nam, đầu tiên phải kể đến sự lỏng lẻo quản lý, tạo điều kiện để một bộ phận trục lợi từ vỉa hè.
Mỗi tháng để có 10 mét vuông vỉa hè bán trà đá, nhiều người phải bỏ ra số tiền không dưới 10 triệu đồng. Không chỉ mua bán chỗ mà giờ đây, nhiều người còn công khai chuyện cho thuê vỉa hè trước nhà hay cho thuê quán vỉa hè. Trên các trang mạng xã hội, trang rao vặt xuất hiện tràn lan các mẩu tin quảng cáo cho thuê vỉa hè với giá hàng chục triệu đồng/tháng.
Nếu có vị trí đẹp, vỉa hè có thể hái ra tiền cho người kinh doanh, nên không khó hiểu người ta tìm mọi cách để thuê được vỉa hè. Nhưng không phải dễ để thuê được vỉa hè, mà còn cần cả vào mối quan hệ tiếp tay để đảm bảo trơn tru từ khi thuê được vỉa hè, cho đến khi kinh doanh buôn bán được yên ổn. Vỉa hè là của công, nhưng tồn tại thứ quyền lực ngầm chuyên bảo kê cho vỉa hè.
Xã hội đang ứng xử với vỉa hè như thế nào?
Cách chiếm dụng vỉa hè và nếp sinh hoạt, nhậu nhẹt vỉa hè đang góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có thành tích nhậu nhẹt rất đáng nể. Lượng bia tiêu thụ của người Việt mỗi năm đều tăng 20%, luôn đứng hàng đầu thế giới với hàng tỷ lít bia tiêu thụ.
Không dám khẳng định vỉa hè là nguyên nhân gián tiếp gây ra tai nạn giao thông sau những cuộc nhậu, nhưng có một điều chắc chắn: khi vỉa hè bị lấn chiếm, thì không còn chỗ cho người đi bộ. Hình ảnh người đi bộ phải tràn xuống lòng đường không quá xa lạ.
Điều 9 Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định người đi bộ không đi đúng phần đường của mình thì bị phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng, nhưng thử hỏi không có vỉa hè thì lấy chỗ đâu để đi?
Số liệu thống kê từ cảnh sát giao thông thành phố Hà Nội cho thấy, từ năm 2013, số người thiệt mạng trong các vụ tai nạn giao thông có liên quan tới người đi bộ là 80 người và tăng thêm 10 trường hợp mỗi năm tiếp theo. Chuyện ứng xử với vỉa hè không chỉ còn dừng ở câu chuyện kinh tế, mà đã gây hậu quả đến chính sinh mạng của con người.
Dù đã được tạm dừng song việc TP.HCM cho lắp đặt barie đã gây xôn xao dư luận (Ảnh: Dân Trí)
Cái khó thì thường ló cái khôn. Trên con đường Nguyễn Du ngay trung tâm Quận 1, người ta đã cho lắp những thanh barie chắn ngang để hạn chế những chiếc xe máy "leo lề". Sáng kiến trong ngoặc kép này chưa biết có hạn chế được xe máy hay không, nhưng ngay lập tức đã vướng phải nhiều ý kiến trái chiều.
Tuy thiết kế có chừa phần đi cho xe lăn nhưng rõ ràng sự thoải mái, tiện lợi trong lưu sẽ càng bị thu hẹp. Nhiều người xem đó là chướng ngại vật, nhất là khi trời tối. Mọi chuyện sẽ còn tệ hơn đối với trẻ con hiếu động hay những người đi bộ cao tuổi mắt kém, phải sử dụng gậy.
Trong mọi phương án dành cho vỉa hè, thì người đi bộ và người khuyết tật vẫn là hai nhóm người cần được tính đến - thậm chí là phải ưu tiên hơn - khi đánh giá tác động.
Thực tế cũng chứng minh, xe máy thì vẫn vượt được chướng ngại vật để tăng tốc và về đích trên vỉa hè.
Thế mới thấy, ứng xử với vỉa hè rất cần sáng kiến và giải pháp, nhưng đòi hỏi sự tính toán, không nóng vội. Ở đây, rõ ràng chiếc barie vẫn chỉ dừng lại ở một giải pháp tình thế chứ không phải là một biện pháp căn cơ.
Cái cần thay đổi ở đây là sự nghiêm minh thực thi pháp luật, khi luật xử phạt người điều khiển xe máy trên vỉa hè đã có và quy định mức xử phạt lên đến 1.2 triệu đồng. Xa hơn và đương nhiên là khó hơn, đó là lay chuyển được tư duy tranh giành, ích kỷ chỉ muốn được việc của mình từ phía người điều khiển phương tiện giao thông.
Văn minh đô thị là thành tố không thể tách rời trong tiến trình phát triển đô thị. Quá trình thay đổi từ văn minh nông nghiệp sang văn minh công nghiệp luôn cần một độ trễ để người dân thị thành làm quen và thích nghi. Những xung đột lợi ích và ý thức nằm trong chính ở thời điểm giao thoa này, nên đòi hỏi sư nghiêm minh trong thực thi pháp luật và minh bạch về quản lý, để dần xây dựng lối ứng xử dần tiệm cận với chuẩn mực ở người dân đô thị. Nhưng đó không thể chỉ là quyết tâm một phía, mà cần sự đồng lòng và lên tiếng của người dân, đơn giản nhất là ứng xử với vỉa hè.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!