Lần đầu tiên hành vi ngâm hóa chất vào thực phẩm đã được tòa án nhân dân Quận Thủ Đức TP.HCM đưa ra xét xử hình sự vào sáng 1/11. Vụ việc này nhận được sự quan tâm lớn khi mà rất nhiều năm nay hàng loạt vụ việc thực phẩm bẩn, ngâm hóa chất đã được phát hiện nhưng chỉ xử phạt hành chính.
Các chuyên gia đánh giá đây là tín hiệu đáng mừng trong việc xử lý nghiêm minh các hành vi làm thực phẩm bẩn bán cho người dân. Tuy nhiên, việc đưa ra xử lý hình sự các vụ việc như thế này vẫn còn khó khăn.
Năm 2018, tại TP.HCM, lực lượng chức năng đã bắt quả tang một cơ sở ngâm cà rốt trong hóa chất pha loãng. Mỗi ngày, các nhân viên này dùng hóa chất để ngâm khoảng 7 - 8 tấn cho khách, thu lợi từ 3,5 - 4 triệu đồng. Công an đã thu giữ 250 gram bột màu trắng mà qua giám định chất này hoàn toàn ngoài danh mục sử dụng.
Theo cáo trạng, bị cáo Bùi Văn Sáng đã chỉ đạo cho nhân viên liên hệ mua hóa chất tại chợ Tam Bình để ngâm rửa. Bị cáo cho biết đã nhận thức hành vi nguy hiểm và 1 năm 6 tháng tù giam là mức án cho hành vi này. Tuy nhiên, theo đại diện Ban An toàn thực phẩm TP.HCM, để đưa ra xử lý hình sự vụ việc là cả một quá trình phức tạp.
Từ đầu năm đến nay, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết đã kiểm tra hơn 4.000 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm với tổng số tiền phạt gần 7 tỷ đồng. Theo đại diện Ban ATTP, việc xử lý hành chính nhiều mà chưa có nhiều cơ sở được xử lý hình sự là điều bất cập.
Những tác hại do thực phẩm bẩn gây ra đối với sức khỏe con người là rất lớn. Thế nhưng, mức xử phạt chỉ là đình chỉ hoạt động, tiêu hủy sản phẩm và xử phạt hành chính là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, việc tăng cường xử lý hình sự những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm mới ngăn chặn được vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm ngâm hóa chất đang đầu độc người dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!