Sai phạm trong các vụ xả thải bẩn
Mỗi ngày trại lợn với 2.100 con lợn nái tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai sử dụng 80 - 100m3 nước để rửa chuồng trại nhưng nước thải cứ vô tư thoát ra môi trường. Trại lợn này không có bất kỳ thứ giấy tờ pháp lý nào liên quan đến vấn đề xử lý nước thải, xả thải, đánh giá tác động môi trường. Trại lợn không nằm trong vùng quy hoạch chăn nuôi nên không thể được duyệt cấp các giấy tờ cần thiết nhưng đến nay cũng hoạt động gần 10 năm.
Sau nhiều tháng trinh sát, lấy mẫu, nắm quy luật xả thải, lực lượng Cảnh sát môi trường Bộ Công an quyết định bắt quả tang hành vi xả nước thải chưa qua xử lý của nhà máy cao su Giang Sơn, thuộc huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước. Để che dấu việc xả thải, nhà máy này đã dùng những tấm bạt lớn để che chắn. Mỗi ngày hàng chục m3 nước thải hôi thối được xả ra môi trường nhưng cố vấn pháp lý công ty - là chồng của Giám đốc doanh nghiệp và cũng là một Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường vẫn khăng khăng bảo vệ hành vi xả thải cho nhà máy của vợ.
Còn tại trại nuôi cá tại huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp, hàng trăm nghìn m3 nước từ 14 hồ nuôi cá có tổng diện tích khoảng 6ha được xả thẳng vào nguồn nước tự nhiên. Nuôi cá với quy mô rất lớn nhưng cơ sở không có hồ xử lý nước thải sau nuôi. Trung bình mỗi ngày có khoảng 5 tạ cá bị chết nhưng không có biện pháp xử lý, gây ô nhiễm rất lớn.
Vì sao doanh nghiệp sẵn sàng đánh đổi xả thải, chịu phạt?
Tất cả các trường hợp vi phạm môi trường bị bắt quả tang trên đều đã hoạt động thời gian dài. Có cơ sở biết quy định nhưng không thực hiện, có cơ sở lại hiểu rất rõ nhưng cố tình lách luật. Vì sao luật bảo vệ môi trường đã quy định rõ ràng nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm?
Để đầu tư một hệ thống xử lý nước thải tùy theo công suất xử lý có thể chi phí từ 10 - 20 tỷ đồng. Sau khi đầu tư, chi phí vận hành chỉ khoảng 10.000 - 13.000 đồng cho 1m3 nước. Ví dụ khu xử lý nước thải của nhà máy cao su Giang Sơn với công suất 100m3/ngày chỉ mất tối đa 1,3 triệu đồng vận hành.
Việc hoạt động 2 năm mới bị phạt 230 triệu đồng so với đầu tư 10 tỷ đồng cho hệ thống xử lý nước thải rõ ràng là doanh nghiệp có lý do để chịu phạt hơn bỏ tiền đầu tư. Còn nếu thanh kiểm tra, theo cách hiểu của doanh nghiệp mỗi năm một lần cũng dễ đối phó hơn.
Theo các chuyên gia việc thanh kiểm tra cùng lắm doanh nghiệp cũng chỉ bị phạt hành chính và đây chính là nguyên nhân khiến doanh nghiệp chây ì xả thải thay vì chấp hành luật.
Vào khu chế biến tập trung doanh nghiệp vẫn lén lút xả thải
Xả thải bẩn, không chấp hành luật bảo vệ môi trường gần như trở thành thói quen của một số doanh nghiêp. Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, khi tình trạng các cơ sở chế biến hải sản xả thải gây ô nhiễm nghiêm trọng thì địa phương này đã chi hơn 300 tỷ đồng để di dời các cơ sở vào khu chế biến tập trung để quản lý tốt hơn. Nhưng kể cả khi vào khu chế biến tập trung, không ít doanh nghiệp vẫn tiếp tục cố tình xả thải trộm.
Nhiều tháng qua, tại cống thoát nước mưa của khu chế biến hải sản tập trung Lộc An, huyện Đất Đỏ, nước bỗng đổi màu đen bất thường, kèm mùi hóa chất và hôi thối nồng nặc. Các ngư dân ở đây cho biết, hiện tượng này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc nuôi trồng thủy sản của người dân.
Nguồn phát thải đã được lực lượng chức năng làm rõ đó là nước thải từ hoạt động chế biến hải sản của công ty Danh Trường nằm trong khu tập trung. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt công ty này hơn 800 triệu đồng về hành vi xả thải bẩn. Tuy nhiên, công ty không những không nộp phạt mà còn cho một doanh nghiệp khác thuê lại nhà xưởng sản xuất và tiếp tục hành vi xả thải bẩn khiến việc quản lý môi trường khu tập trung gần như bằng không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!