Đến nay, vùng ven biển ÐBSCL đã xây dựng khoảng 450 km đê biển, nhưng ở nhiều địa phương trình trạng sạt lở đê biển đang xảy ra nghiêm trọng.
Tại tỉnh Kiên Giang, có 16 điểm sạt lở; tỉnh Cà Mau có 12 điểm sạt lở nghiêm trọng. Bên cạnh đó tại tỉnh Bạc Liêu có 2 điểm nóng bị sạt lở là đoạn giáp ranh tỉnh Sóc Trăng đến kênh 30/4 và đoạn cuối từ kênh số 3 đến cửa sông Gành Hào. Trên tuyến đê biển Gò Công, Tiền Giang, trung bình mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền từ 8 - 10m, làm mất đi khoảng 31 ha rừng phòng hộ.
Sạt đê biển sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho con người như khiến biển ngày càng ăn sâu vào các khu dân cư, phá hủy các công trình đường xá, nhà cửa, rừng phòng hộ... Thế nhưng, ngoài những yếu tố tự nhiên còn có yếu tố do con người dẫn đến tình trạng này.
Tại đê biển xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, người dân vô tư cất nhà, mua bán trên thân đê. Không chỉ lấn đê để sống, người dân còn khoanh vùng trong rừng phòng hộ ngoài đê cất nhà rải rác khắp các huyện ven biển tỉnh Bạc Liêu.
Theo các chuyên gia về đê điều, người dân cất nhà trên thân đê ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu đê. Việc khoan giếng nước ngầm sinh hoạt, xây nhà vệ sinh về lâu dài sẽ gây nứt gãy, sạt lở, sụt lún đê.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!