Ông Trần Quang Huy, Trưởng phòng công nghệ 1C cho biết, công ty 1VS cho biết: “Hiện nay, trên thế giới, có hơn 200 định nghĩa khác nhau về điện toán đám mây. Còn với đội ngũ công nghệ 1VS, chúng tôi phân định rõ quan điểm về 02 mô hình “Phần mềm online” và “Dịch vụ đám mây”. Cả hai đều có thể thiết lập để cho phép khách hàng thuê phần mềm của nhà cung cấp và truy cập sử dụng qua Internet, dữ liệu được lưu trên server của nhà cung cấp. Trước đó, chúng tôi cũng đã có cho thuê phần mềm “1C:KẾ TOÁN” online. Và khác biệt với hình thức online, đám mây 1C được xây dựng theo kiến trúc Multitenancy (cơ chế chia tách dữ liệu)”. Đây hiện cũng là kiến trúc hiện đại trên thế giới trong mô hình cung cấp phần mềm như một dịch vụ (SaaS)”.
Với cơ chế chia tách dữ liệu, nhà cung cấp 1C cho biết, một phiên bản ứng dụng phần mềm, cấu hình hạ tầng (phần cứng, mạng, hệ điều hành) sẽ được phục vụ cho tất cả người sử dụng. Nói cách khác toàn bộ dữ liệu khách hàng được tập trung trong một cơ sở dữ liệu, trong đó đảm bảo nghiêm ngặt phân vùng làm việc cho riêng từng khách hàng, từng người sử dụng trong doanh nghiệp. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho cả người sử dụng dịch vụ và nhà cung cấp. Ví dụ, khi có bản nâng cấp về chính sách thuế mới cho phần mềm kế toán, 1VS chỉ cần thao tác với 1 dữ liệu tổng, ngay lập tức tất cả mọi vùng dữ liệu riêng của từng khách hàng được cập nhật tính năng mới. Điều đó hoàn toàn khác biệt với mô hình online, khi mà doanh nghiệp phải chờ đợi đến lượt để được nâng cấp từng cơ sở dữ liệu.
Một ưu điểm chính nữa mà cơ chế Multitenancy mang lại, đó là cho phép toàn bộ khách hàng 1C sử dụng duy nhất một cổng website đơn giản để quản lý dữ liệu của mình. Điều này đặc biệt thuận lợi cho những đơn vị làm về dịch vụ kế toán.
Phiên bản mới của hệ thống 1C cho ra mắt ở Việt Nam đưa đến một lựa chọn mới cho doanh nghiệp Việt, và thích hợp hơn cả với các đối tượng có nhu cầu quản lý nhiều mảng công việc khách nhau thông qua Internet.
Sử dụng dịch vụ đám mây đang là trào lưu được lan truyền trên khắp thế giới cũng như Việt Nam. Theo một nghiên cứu của IDC, doanh thu của điện toán đám mây năm 2015 được dự báo là 118 tỷ đô trên toàn cầu (tức hơn 2 triệu tỷ đồng) và đến năm 2018 con số này sẽ vượt mốc 200 tỷ đô. Trong đó, doanh thu trong mảng thị trường cung cấp dịch vụ cho thuê phần mềm quản lý kinh doanh có chỉ số tăng trưởng khá cao là gấp gần 1,5 lần mỗi năm. Còn trong các báo cáo gần đây của các quốc gia phát triển như Mỹ, Australia thì sử dụng dịch vụ phần mềm kế toán không chỉ là nhu cầu cấp thiết, và có đến 50% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho rằng sẽ thay thế kế toán viên nếu không dịch chuyển sang sử dụng hình thức đám mây trong thời gian tới.