5 xu hướng xã hội định hình tương lai của doanh nghiệp hậu COVID-19

P.V-Thứ ba, ngày 30/11/2021 23:44 GMT+7

VTV.vn - Người tiêu dùng muốn tương tác với doanh nghiệp, do đó các xu hướng xã hội luôn có tầm ảnh hưởng với hoạt động kinh doanh.

Do ảnh hưởng của COVID-19, thời gian vừa qua là một thời kỳ thay đổi sâu sắc đối với các doanh nghiệp thuộc mọi quy mô, khi họ tìm kiếm những cách thức mới để duy trì vận hành và phát triển mà vẫn đảm bảo được kết nối với khách hàng. Các nhãn hiệu đã góp phần làm phong phú trải nghiệm trực tuyến bằng cách xuất hiện nhiều hơn ở những nơi khách hàng hiện diện, cũng như thử các định dạng và kênh giao tiếp mới.

Tháng trước, Meta đã ra mắt một chuỗi nội dung mới với tên gọi "Những ý tưởng quan trọng" (Ideas That Matter), nơi trò chuyện với các doanh nghiệp trên toàn khu vực để lắng nghe những chia sẻ thực tiễn từ họ. Mỗi năm, Meta đều nhìn thấy những cơ hội mới được tạo ra khi các xu hướng xã hội giao thoa với hoạt động kinh doanh. Mặc dù nhiều xu hướng có thể mất vài năm mới phát huy tối đa tiềm năng của mình, Meta cho rằng có 5 xu hướng chỉ ra dưới đây sẽ nhanh chóng trở nên phổ biến.

1. Thực tế ảo (AR) và thực tế ảo tăng cường (VR)

Vừa qua, Facebook đã thông báo đổi tên công ty thành Meta và chia sẻ tầm nhìn về Metaverse. Quyết định này đến từ việc công ty bắt đầu nhận thấy sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và công nghệ đứng đằng sau đó. Mặc dù metaverse sẽ phát triển toàn diện hơn trong những năm tới, chúng ta vẫn có thể thấy các ứng dụng cho AR/VR đang dần trở thành xu hướng chủ đạo, từ thử quần áo, giày dép trước khi mua đến làm việc từ xa trong không gian ảo.

5 xu hướng xã hội định hình tương lai của doanh nghiệp hậu COVID-19 - Ảnh 1.

Theo báo cáo của Facebook IQ, trên toàn cầu có 78% người dùng cho biết AR là một cách thú vị để tương tác với các thương hiệu và 74% tin rằng AR có thể thu hẹp khoảng cách giữa trực tuyến và ngoại tuyến.

Tại Việt Nam, 80% người dùng cho biết họ nghĩ AR có thể giúp thu hẹp khoảng cách giữa trực tuyến và ngoại tuyến và có tới 81% muốn kết nối với các thương hiệu bằng AR, cho rằng đây là một cách thú vị để tương tác với các thương hiệu. 90% người dân sẵn sàng sử dụng các tính năng AR để khám phá thương hiệu. Các công ty như Unilever đã áp dụng quảng cáo AR như một cách để tiếp cận khách hàng và nhận được hơn 11 triệu lượt tương tác trên quảng cáo AR trong chiến dịch Tết Lifebuoy năm ngoái.

2. Thương mại xã hội (Social Commerce)

Thương mại xã hội sẽ là xu hướng của năm 2022 bởi thực tế là việc kinh doanh mang tính xã hội nhiều hơn chúng ta tưởng. Mọi người khám phá các sản phẩm họ yêu thích thông qua bảng tin của bạn bè, và từ đây họ kỳ vọng rằng họ có thể nhắn tin cho doanh nghiệp giống như cách họ nhắn tin cho người bạn của mình. Do đó, trở thành một doanh nghiệp có khả năng giao tiếp và kết nối với khách hàng sẽ là chìa khóa quyết định sự tăng trưởng của mỗi doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, hơn một nửa số giao dịch mua hàng trực tuyến được thực hiện trên các sàn Thương mại điện tử và các trang mạng xã hội. Thương mại xã hội đang thu hút người dùng với số đơn đặt hàng trên mạng xã hội tăng gấp đôi trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 59% người tiêu dùng muốn trò chuyện (chat) với doanh nghiệp khi xem xét hoặc nghiên cứu thông tin về sản phẩm.

3. Những ngày hội mua sắm (Mega Sale Days)

Những ngày hội mua sắm - sự kết hợp giữa giải trí và mua sắm - đang ngày càng phát triển trong khu vực. Tôi đã có cuộc trò chuyện với với Sapna Nemani, Giám đốc Sản phẩm và Giải pháp tại Publicis Groupe khu vực châu Á - Thái Bình Dương, người nhấn mạnh ba điều cần lưu ý về xu hướng này.

Thứ nhất, những ngày hội mua sắm đang tạo điều kiện để nhiều người tiêu dùng lần đầu tiên trải nghiệm hoạt động mua sắm trực tuyến. Thứ hai, giảm giá không còn là điều quan trọng nhất, mà người tiêu dùng lựa chọn các thương hiệu căn cứ theo giá trị và hình ảnh chúng tạo lập được trong tâm trí họ và sau cùng, toàn bộ hành trình của người tiêu dùng đã mang tính xã hội và trải nghiệm hơn rất nhiều.

Qua đó, Nemani dành lời khuyên cho các khách hàng của mình, đó là hãy lập kế hoạch lâu dài thay vì chỉ tập trung vào những ngày hội mua sắm. Và bởi giảm giá không phải là tất cả, điều quan trọng là doanh nghiệp thiết lập được giá trị thương hiệu của mình. Điều này chỉ có thể đạt được bằng việc suy xét kỹ về các "điểm chạm" phù hợp giúp thúc đẩy hành vi khám phá của người tiêu dùng.

Tại Việt Nam, 53% người dùng trải nghiệm mua sắm trực tuyến lần đầu tiên trong Ngày hội mua sắm. Tính bền vững và trách nhiệm xã hội lọt Top 3 lý do khiến người dùng Việt thay đổi lựa chọn thương hiệu. 46% người tiêu dùng Việt cũng cho biết họ muốn cảm thấy mình là một phần của sự kiện mua sắm, ngoài việc tìm kiếm những ưu đãi tốt nhất.

4. Những nhà sáng tạo nội dung

Khi đại dịch hoành hành, mọi người phải ở nhà và tìm cách giải trí trong thời gian dài. Lượng nội dung mà chúng ta xem trong lúc ở nhà cũng vì thế tăng vọt trên nhiều chủ đề và định dạng, từ hướng dẫn nấu ăn, các bài tập thể dục, các chương trình giải trí, cho tới những nội dung về lĩnh vực tài chính, kinh doanh.

Theo nghiên cứu của AnyMind, số lượng người có tầm ảnh hưởng vĩ mô (có từ 100.000 đến 1 triệu người theo dõi) trên toàn khu vực đã tăng 66% trong năm 2021. Theo CB Insights, nền kinh tế sáng tạo toàn cầu đã đạt kỷ lục 1,3 tỷ đô la tiền tài trợ chỉ trong năm 2021, gấp gần ba lần so với năm 2020. Những nhà sáng tạo nội dung đem đến một hình thức truyền thông mới mẻ và đa dạng, tự thân họ đã là những thương hiệu cá nhân riêng và đang không ngừng thúc đẩy tương tác, biến họ trở thành những kênh bán lẻ mạnh mẽ.

Do đó, trong năm 2022, chúng ta chắc chắn sẽ thấy nhiều sản phẩm hợp tác giữa những nhà sáng tạo và thương hiệu, hoặc các thương hiệu con đến từ những nhà sáng tạo nội dung.

Tại Việt Nam, các nhân vật của công chúng có lượng người theo dõi cao, với 85% số người mua sắm cho biết họ theo dõi những người có tầm ảnh hưởng, cao hơn 7% so với mức trung bình của châu Á - Thái Bình Dương. 67% người tiêu dùng Việt Nam đồng ý rằng sự tham gia của những người có tầm ảnh hưởng là quan trọng đối với những gì họ mua.

5. Video

Người xem video kỹ thuật số ở châu Á Thái Bình Dương sẽ vượt con số 2 tỷ người vào năm 2022, sớm hơn một năm so với dự kiến, theo eMarketer. Trên các nền tảng của Meta, video cũng trở thành loại hình nội dung được người dùng yêu thích và sử dụng như một phương tiện để thể hiện bản thân. Khi xem xét tất cả các dạng thức video, bạn có thể thấy những video ngắn như Reels đang phát triển đặc biệt nhanh chóng và là động lực chính thúc đẩy mức độ tương tác trên Instagram. Vậy doanh nghiệp nên làm gì?

Hãy bắt đầu với việc xác định các mục tiêu - cho dù đó là xây dựng thương hiệu hay thúc đẩy trải nghiệm mua sắm phong phú hơn. Từ việc gắn thẻ sản phẩm cho phép bạn mua trực tiếp từ video, đến việc thử sản phẩm trước khi mua ứng dụng thực tế ảo tăng cường - video trên thiết bị di động đều có thể mang đến những trải nghiệm đắm chìm chân thực. Các doanh nghiệp hiện có nhiều cách để tiếp cận mọi người bằng video trên Meta - từ quảng cáo trong Messenger, quảng cáo trong luồng và trải nghiệm tức thì - đây đều là những giải pháp thú vị mà các doanh nghiệp có thể khám phá.

Tại Việt Nam, 97% người dùng chọn sử dụng Facebook khi được hỏi cụ thể về các nền tảng video trực tuyến, trong đó người dùng dành nhiều thời gian trên Facebook hơn các nền tảng khác. Có tới 90% người tiêu dùng video Việt Nam thực hiện hành động sau khi xem video trên Facebook.

Ngay cả khi công nghệ không ngừng phát triển thì có một điều vẫn sẽ không thay đổi, đó là mọi người ưa thích các tương tác mang tính cá nhân và liền mạch khi kết nối với doanh nghiệp. Đây là lý do tại sao các xu hướng xã hội sẽ luôn có tầm ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước