Đặt tên kèm hậu tố 5G
5G là tính năng nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dùng trong năm qua. Chính vì thế, các nhà sản xuất smartphone luôn cố gắng đưa thêm hậu tố 5G vào tên gọi sản phẩm nhằm nhấn mạnh cho người dùng biết về tính năng mới này.
Tuy nhiên, khi công nghệ 5G trở nên phổ biến trong năm 2021, cách đặt tên này sẽ khiến tên gọi của smartphone trở nên dài dòng một cách không cần thiết.
Sử dụng nhựa trên smartphone giá hơn 1.000 USD
Khi ra mắt, chiếc Galaxy Note20 đã nhận phải rất nhiều ý kiến trái chiều do mặt lưng của nó chỉ được hoàn thiện từ chất liệu nhựa. Với mức giá khởi điểm từ 1.000 USD, điều này hoàn toàn không hợp lý. Nó khiến cho thiết kế tổng thể của thiết bị trở nên kém cao cấp, không xứng đáng với mức giá được đưa ra.
Camera 2 MP
Đa số smartphone ra mắt trong năm 2020 đều được trang bị hệ thống 3 - 4 camera sau. Tuy nhiên, rất nhiều ống kính trong đó chỉ có độ phân giải 2 MP, mang lại trải nghiệm tương đối kém. Những ống kính đó chỉ phục vụ cho mục đích marketing, không thực sự hữu ích trong quá trình sử dụng thực tế.
Điều các hãng cần thực hiện không phải là tăng số lượng ống kính, thay vào đó là nâng cấp chất lượng của camera.
Sạc nhanh nhưng vẫn chậm
Trong năm 2020, nhiều mẫu smartphone cao cấp đã được trang bị sạc nhanh 65 W như OnePlus 8T hay thậm chí lên tới 120 W như chiếc Mi 10 Ultra. Trong khi đó, rất nhiều smartphone cao cấp của các hãng khác vẫn chỉ hỗ trợ sạc với công suất 18 - 20 W như Motorola Edge Plus, Google Pixel 5 và cả thế hệ iPhone 12.
Các chuyên gia mong đợi rằng, smartphone cao cấp ra mắt năm 2021 sẽ có sạc nhanh với công suất 30 W trở lên.
Cập nhật phần mềm chậm
Google đã cam kết hỗ trợ thời gian 3 năm cập nhật phần mềm cho dòng điện thoại Pixel. Samsung cũng làm điều tương tự với một số thiết bị của họ.
Tuy nhiên, không phải nhà sản xuất nào cũng làm được điều này. OnePlus xác nhận chỉ cung cấp một bản cập nhật cho chiếc Nord N10 và N100. Thậm chí, Motorola ban đầu không cam kết một phiên bản cập nhật nào cho mẫu Edge Plus có giá 1.000 USD. Sau đó, hãng này lại thay đổi và cam kết 2 năm.
Mới đây, Google đã hợp tác với Qualcomm để đảm bảo việc cập nhật Android cho smartphone chạy chip Snapdragon ít nhất 4 năm, bắt đầu từ 2021. Việc thường xuyên được cập nhật sẽ giúp smartphone Android trở nên hấp dẫn hơn do liên tục được bổ sung tính năng mới cũng như các bản vá bảo mật.
Smartphone cao cấp tăng giá không phanh
Trong năm 2020, smartphone cao cấp của các thương hiệu như Xiaomi, Realme và OnePlus đều tăng cao so với thế hệ tiền nhiệm. Một trong những nguyên nhân được cho là do giá chip Snapdragon bị đẩy lên cao. Hy vọng rằng trong năm 2021, sẽ có nhiều smartphone cao cấp sở hữu giá bán hợp lý hơn để người dùng có được nhiều lựa chọn.
Chất lượng hơn số lượng
Trong năm qua, một số nhà sản xuất như Xiaomi hay OnePlus ra mắt rất nhiều mẫu smartphone, nhưng điểm khác biệt giữa chúng rất ít. Việc có quá nhiều sản phẩm có thể khiến cho người dùng khó chọn mua máy hơn. Thêm vào đó, chúng cũng không mang lại nhiều giá trị cũng như trải nghiệm khác biệt với người dùng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!