Tại quốc gia có số người dùng smartphone nhiều thứ hai thế giới là Ấn Độ, 40% ứng dụng trên điện thoại đều là của Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này sẽ sớm chấm dứt.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc tiếp tục có những diễn biến căng thẳng sau vụ binh sĩ hai nước đụng độ ở biên giới hồi tháng trước.
Ấn Độ mới đây đã hủy thương vụ xây nhà máy sản xuất ô tô trị giá nửa tỷ USD của doanh nghiệp Trung Quốc. New Delhi cũng đang cân nhắc loại bỏ các công ty Trung Quốc, trong đó có Huawei, ra khỏi dự án xây dựng mạng viễn thông 5G của nước này.
Tuy nhiên, người dân Ấn Độ có lẽ cảm thấy rõ nhất tác động của các biện pháp trừng phạt khi Chính phủ nước này vừa công bố lệnh cấm 59 ứng dụng điện thoại thông minh của Trung Quốc.
Ấn Độ cấm hàng chục ứng dụng phổ biến bắt nguồn từ Trung Quốc
Trong số các ứng dụng smartphone của Trung Quốc bị cấm có mạng xã hội TikTok, ứng dụng nhắn tin WeChat, bản đồ Baidu, trình duyệt di động UC Browser… Đây đều là những ứng dụng phổ biến, có hàng trăm triệu lượt tải và được sử dụng hàng ngày tại Ấn Độ.
Chính phủ Ấn Độ tuyên bố các ứng dụng trên liên quan đến các hoạt động thu thập dữ liệu người dùng Ấn Độ và gửi ra máy chủ ở nước ngoài. Hành động này gây nguy hại tới an ninh quốc gia và trật tự công cộng của Ấn Độ.
Theo yêu cầu của chính phủ Ấn Độ, Google và Apple cũng sẽ xóa các ứng dụng này khỏi kho ứng dụng của hệ điều hành Android và iOS.
Người dùng Ấn Độ đón nhận lệnh cấm như thế nào?
Trong số các ứng dụng bị cấm, TikTok chắc chắn là cái tên nổi bật nhất. Ứng dụng có hơn 80 triệu người dùng thường xuyên hàng tháng tại Ấn Độ, trải nghiệm lướt video, quay clip, đăng tải lên mạng, tương tác và kiếm tiền từ TikTok. Ứng dụng trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của họ.
Với những bước chân vũ đạo nhanh thoăn thoắt, tái hiện hình ảnh ông vua nhạc pop Michael Jackson, anh Yuvraj Singh đã nhận được nhiều lời khen khi đăng tải các clip lên TikTok. Tài khoản của anh thu hút tới 6 triệu lượt người theo dõi trên mạng xã hội. Khi lệnh cấm được đưa ra, những người dùng TikTok như anh Yuvraj Singh bị ảnh hưởng đầu tiên.
"Điều đầu tiên tôi nghĩ tới là mình phải chuyển qua các nền tảng khác như YouTube hay Instagram để không mất hàng triệu lượt theo dõi của mình" - anh Yuvraj Singh chia sẻ.
TikTok trong khoảng 1 năm qua là ứng dụng giải trí ưa chuộng của 200 triệu người dân Ấn Độ. Thậm chí, tại những khu vực nghèo khó ở thành phố Mumbai, số lượt theo dõi trên TikTok còn trở thành phương thức giúp không ít bạn trẻ kiếm tiền và đổi đời.
Ấn Độ ra lệnh cấm ứng dụng TikTok (Ảnh: Getty)
Có những quan điểm trái chiều về lệnh cấm các ứng dụng như TikTok tại Ấn độ. Một số người cho rằng, TikTok vốn là nơi mà nhiều người dân Ấn Độ thể hiện sự sáng tạo, tính cách và quan điểm của mình. Vì thế, việc cấm ứng dụng này là chặn mất một sân chơi của người dân. Tuy nhiên, nhiều người lại nhìn nhận đây là cơ hội cho một sự thay đổi của ngành công nghệ cũng như sáng tạo tại Ấn Độ.
Lệnh cấm sẽ tạo ra một khoảng trống khi hàng trăm triệu người dùng Ấn Độ không tìm đến những ứng dụng quen thuộc nữa. Cả người dùng và các doanh nghiệp công nghệ trong nước đang đứng trước thời khắc phải thích ứng với sự thay đổi này.
Sau lệnh cấm, hầu như tất cả các đại gia công nghệ ở Trung Quốc sẽ phải dừng kinh doanh ở Ấn Độ. Đây cũng là thị trường lớn nhất ở nước ngoài của nhiều ứng dụng Trung Quốc như ByteDance, Tencent, Alibaba…. Các thiệt hại kinh tế có thể chưa đến ngay lập tức nhưng lệnh cấm sẽ phủ bóng đen lên tham vọng vươn tầm toàn cầu của doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc.
Lệnh cấm phủ bóng đen lên doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc
Ấn Độ từ lâu đã được coi là một bước đệm cho các công ty Trung Quốc để mắt đến thị trường toàn cầu. Nhiều người tin rằng, sự tương đồng giữa Ấn Độ và Trung Quốc - hai quốc gia duy nhất có hơn 1,3 tỷ dân, diện tích rộng lớn và sự phát triển nhanh chóng của mạng xã hội - giúp các công ty Trung Quốc chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến với các đối thủ toàn cầu ở Ấn Độ.
TikTok với 323 triệu lượt tải xuống, chiếm 1 nửa số lượt tải toàn cầu, đã trở nên rất phổ biến ở Ấn Độ vào năm ngoái, biến Ấn Độ trở thành thị trường lớn nhất của Tiktok. UC Browser của Alibaba cũng đã chiếm khoảng 12,6% thị trường trình duyệt của Ấn Độ vào tháng 5 vừa qua.
Với lệnh cấm mới nhất, hầu như tất cả các đại gia internet ở Trung Quốc sẽ mất đi những cơ hội kinh doanh béo bở tại Ấn Độ, bao gồm ByteDance, chủ sở hữu ứng dụng video ngắn TikTok; Tencent Holdings chủ sở hữu của ứng dụng nhắn tin WeChat là Tencent Holdings; nhà phát triển UC Browser là Alibaba Group Holding… Lệnh cấm cũng sẽ khiến nhiều công ty đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc gặp khó ở thị trường Ấn Độ.
Bức tường lửa công nghệ tại Trung Quốc
Xung quanh nội dung này, trang tin Bloomberg có một bình luận khá đáng chú ý, đó là Trung Quốc đã kiểm soát chặt cánh cửa tiến vào thị trường công nghệ trong nước. Các ứng dụng nước ngoài không có cơ hội phát triển tại đây. Doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc nhờ đó phát triển mạnh, vươn tầm, đánh chiếm thị trường nước ngoài. Hàng rào kỹ thuật này tạo ra những lợi thế cạnh tranh bất tương xứng.
Trong khi đó, bình luận đăng tải trên trang Aljazeera cho rằng, động thái "chưa từng có tiền lệ" của Ấn Độ nếu thành công có thể sẽ là mô hình tham khảo cho các quốc gia châu Âu, Đông Nam Á để hạn chế ảnh hưởng của các mạng xã hội nước ngoài, bảo vệ dữ liệu người dân.
Ấn Độ tìm cách hạn chế phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc
Nếu nói riêng trong lĩnh vực phát triển ứng dụng phần mềm, người Ấn Độ cho rằng, các doanh nghiệp Trung Quốc đã nhận được lợi thế rất lớn từ chính sách tường lửa của Bắc Kinh. Theo họ, chính nhờ chính sách này mà các doanh nghiệp Trung Quốc đã thu được lợi nhuận khổng lồ từ thị trường nội địa. Với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, không lạ khi họ đang có những bước đi vững vàng trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý, đối với những phần mềm hay công nghệ 5G của Trung Quốc, không chỉ Ấn Độ mà Mỹ hay một số nước khác cũng đang lên tiếng lo ngại về nguy cơ bảo mật. Ấn Độ đang tính rằng, nếu nhắm vào những đối tượng này, New Dehli sẽ dễ nhận được sự ủng hộ từ một số nước. Ấn Độ luôn hiểu rằng, nếu đối đầu "1 đấu 1" với Trung Quốc, họ khó mà thắng được.
Trong thời gian tới, chắc chắn sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ còn gắt gao hơn nữa. Ấn Độ và Trung Quốc đều có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ và đều coi đây là mũi nhọn chiến lược. Đối với Ấn Độ - quốc gia được mệnh danh là "Thung lũng Silicon của châu Á", việc hạn chế tầm ảnh hưởng của công nghệ Trung Quốc và phát huy sức mạnh công nghệ trong nước là bước đi cần thiết để vươn tầm ảnh hưởng ra thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!