Nhân công giá rẻ, tài nguyên dồi dào, chuỗi cung ứng đa dạng... là những lý do để các hãng smartphone nói riêng và hãng công nghệ nói chung chọn Trung Quốc làm nơi đặt nhà máy sản xuất, điều này giúp Trung Quốc trở thành "công xưởng" của thế giới.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, giá nhân công ngày càng tăng... đang khiến cho các hãng smartphone đang có xu hướng lựa chọn những quốc gia khác để đặt nhà máy sản xuất, khiến cho Trung Quốc mất đi vị thế "công xưởng smartphone" như hiện tại.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, sản lượng smartphone trên toàn cầu được sản xuất tại Trung Quốc từ năm 2016 đến nay đã liên tục sụt giảm, trong đó năm 2019 chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng nhất khi chỉ còn 68% smartphone trên toàn cầu được sản xuất tại Trung Quốc.
Trung Quốc đang dần mất đi vị thế "công xưởng smartphone toàn cầu" khi sản lượng smartphone sản xuất tại quốc gia này ngày càng giảm
Các hãng công nghệ càng có thêm lý do để cân nhắc việc chuyển nhà máy từ Trung Quốc đến những quốc gia khác trong thời gian tới, để tránh lặp lại khủng hoảng trong tương lai tương tự như trường hợp dịch bệnh do virus SARS-CoV-2 bùng phát tại quốc gia này đã làm gián đoạn dây chuyền sản xuất suốt một thời gian dài và ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường.
Ấn Độ và Việt Nam là hai quốc gia nổi lên hàng đầu thu hút vốn đầu tư của các hãng công nghệ để đặt nhà máy sản xuất smartphone.
Ấn Độ đang là thị trường smartphone lớn thứ 2 thế giới, việc sản xuất smartphone tại Ấn Độ sẽ giúp giảm được thuế cho các sản phẩm bán tại thị trường này, ngoài ra sản phẩm cũng sẽ dễ dàng được nhập khẩu trở lại để tiêu thụ tại Trung Quốc, thị trường smartphone lớn nhất thế giới.
Apple sau một thời gian dài chỉ đặt nhà máy sản xuất iPhone tại Trung Quốc cũng đã phải mở nhà máy tại Ấn Độ, chuyên sản xuất các mẫu iPhone đời cũ, với mức giá thấp hơn để phù hợp với người dùng tại Ấn Độ.
Thậm chí một số hãng smartphone của Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Vivo... bên cạnh các nhà máy đặt tại quê nhà cũng đã mở thêm nhà máy tại Ấn Độ để sản xuất các sản phẩm dành riêng cho thị trường này. Sản lượng của các hãng smartphone Trung Quốc tại các nhà máy Ấn Độ ngày càng được tăng cao và thậm chí dần nắm vai trò quan trọng hơn các nhà máy đặt tại Trung Quốc.
Theo Counterpoint Research, ước tính sản lượng smartphone sản xuất tại Ấn Độ của Oppo sẽ tăng từ 15 triệu trong năm 2018 lên 50 triệu trong năm 2019 và đạt mốc 100 triệu trong năm 2020. Xiaomi đã xây dựng nhà máy thứ 7 của mình tại Ấn Độ vào năm ngoái và dự kiến sẽ tăng sản lượng smartphone tại Ấn Độ lên 60 triệu sản phẩm trong năm 2020, chiếm 99% sản lượng của hãng.
Trong khi đó, Việt Nam cũng là quốc gia thu hút sự quan tâm của các hãng công nghệ nhờ vào chính sách thu hút vốn đầu tư hấp dẫn, tình hình chính trị ổn định và nhân công tay nghề cao... cũng đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các hãng công nghệ để đặt nhà máy sản xuất smartphone.
Samsung cuối năm 2019 đã đóng cửa toàn bộ nhà máy sản xuất smartphone của hãng tại Trung Quốc để chuyển sang sản xuất smartphone tại Việt Nam và Ấn Độ. Ngoài Samsung, Google cũng được cho là chuẩn bị chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam để sản xuất smartphone, trong khi đó LG cũng dự định chuyển nhà máy sản xuất từ Hàn Quốc sang Việt Nam để tận dụng những lợi thế của quốc gia này.
Nhiều tin đồn gần đây cho biết Apple cũng đang cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất iPhone từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh bị đánh thuế nhập khẩu vào Mỹ trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang.
Ngoài smartphone, các hãng công nghệ cũng muốn chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam để sản xuất các thiết bị công nghệ khác như vòng đeo tay thông minh của Fitbit hay tai nghe không dây AirPods Pro của Apple...
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!