Tháng 12 năm ngoái, một vụ xả súng đẫm máu đã xảy ra tại San Bernadino, bang California khiến 14 người thiệt mạng. Hung thủ Syed Farook cùng vợ đã bị cảnh sát bắn hạ, để lại manh mối là một chiếc điện thoại iPhone 5C.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI muốn truy cập dữ liệu bên trong chiếc điện thoại, để xác định xem 2 kẻ tấn công này có cấu kết với nhóm khủng bố IS hay không. Tuy nhiên, chiếc iPhone này cài mật khẩu và có tính năng tự xóa dữ liệu nếu mật khẩu bị nhập không chính xác 10 lần.
Tòa án Mỹ yêu cầu Apple hỗ trợ mở khóa chiếc điện thoại này để phục vụ công tác điều tra, nhưng CEO của Apple đã thẳng thừng từ chối bằng một bức thư.
“Chúng tôi đã làm tất cả trong khả năng và phạm vi luật pháp để giúp đỡ FBI điều tra vụ án. Nhưng yêu cầu này chúng tôi không thể làm được, vì quá nguy hiểm. Để truy cập dữ liệu trong chiếc iPhone đó, chúng tôi sẽ phải phá vỡ một số tính năng bảo mật quan trọng. Và điều này sẽ tạo ra một tiền lệ để bẻ khóa mọi thiết bị của Apple trong tương lai”.
Quyết định này của Apple đã bị các nhà chức trách Mỹ cực lực lên án. Ông Bill Bratton, Cảnh sát New York nói: "Các mối đe dọa khủng bố đang ngày càng trầm trọng, còn họ thì đang dùng cái vỏ bọc là bảo vệ khách hàng để kiếm thêm lợi nhuận. Họ không coi trọng nỗ lực của Chính phủ để bảo vệ người dân”.
Nghị sĩ Ted Cruz, Ứng viên tranh cử Tổng thống Mỹ cho rằng: “Đó là một yêu cầu đối với một chiếc iPhone, cụ thể không ai bắt họ tạo ra công cụ bẻ khóa tất cả các iPhone cả”.
Apple tuyên bố, sẽ vẫn kiên quyết từ chối đến cùng và sẽ luôn nói không với các phần mềm gián điệp để bảo vệ thông tin của người dùng trong tương lai. Động thái của Apple chống lại những yêu cầu dữ liệu của Chính phủ đã được Google, Facebook, Microsoft và Twitter nhiệt liệt ủng hộ.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!