Nắm bắt xu hướng
Người làm marketing cần phải nắm bắt được xu hướng truyền thông trong từng giai đoạn nhất định. Trong tham luận tại Đại hội Sales & Marketing (tổ chức tại TP.HCM trong tháng 11 vừa qua), ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc khối Zamba của VCCorp cho biết, trước đây khi nói về content là chủ yếu nói về text, nhưng những năm gần đây, hình ảnh và video đã lên ngôi.
Theo phân tích của các chuyên gia từ Facebook, mắt người xử lý hình ảnh nhanh hơn gấp 60 lần so với chữ. Đó là lý do trong hai năm gần đây mạng xã hội lớn nhất hành tinh ưu ái video, khiến hình thức content này trở thành "con cưng" và xu thế sản xuất content tất yếu trên truyền thông xã hội.
"Điều này đặt ra yêu cầu đội ngũ marketing phải soạn thảo content theo đúng xu hướng nhằm tạo ra hiệu ứng tốt nhất", ông Tuấn nhấn mạnh. Nắm bắt được xu hướng giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí chạy quảng cáo khi nội dung bằng chữ tốn nhiều chi phí hơn một video để cùng đạt được một lượng người tiếp cận.
Đồng thời, các chính sách trên các kênh truyền thông cũng phải luôn được nắm bắt chính xác. Ví dụ, trước đây Facebook là một "thiên đường" sao chép nội dung. Người dùng thoải mái "đạo" những content để đăng tải trên fanpage, group và trang cá nhân cùng rất nhiều chiêu trò câu "view". Tuy nhiên, dần dần Facebook ngày càng siết các chính sách về nội dung và cho đến nay đã kiểm tra khá kỹ các content, đồng thời chú trọng vấn đề bản quyền.
Quay trở lại với "insight"
Nguồn ý tưởng ở đâu để tạo nên lượng content khổng lồ, đáp ứng các mục tiêu khác nhau của doanh nghiệp?
Câu trả lời chính là luôn luôn bám sát insight của khách hàng. Ông Tuấn chia sẻ, vào năm 2013, đội ngũ của ông tiếp quản một fanpage của công ty viễn thông có 20.000 fan (người hâm mộ) và đến nay đã phát triển đến 400.000 fan chỉ bằng những content đơn giản và không chạy quảng cáo.
"Những content này không có gì đặc biệt, nhưng tất cả được tạo ra dựa trên nghiên cứu insight của khách hàng cùng xu hướng tại thời điểm đó", ông Tuấn cho biết. Nhờ tiêu chí đó, đội ngũ marketing sẽ thu hút được những độc giả ngẫu nhiên, đồng thời đó chính là những khách hàng tiềm năng. Nhờ vậy, chiến dịch marketing sẽ không hướng đến đối tượng độc giả quá rộng, vừa lãng phí, vừa không đạt được hiệu quả truyền thông.
Ông Nguyễn Bá Ngọc - Chủ tịch Công ty NBN Media cho biết, trong từng phản hồi của khách hàng trên fanpage ẩn chứa nhiều điều thú vị và là nguồn dữ liệu quý để đội ngũ marketing điều chỉnh, kiến tạo content phục vụ khách hàng. Từ chân dung khách hàng được tạo nên từ big data, người làm marketing sẽ biết được khách hàng đang có nhu cầu gì, mong muốn được giải đáp vấn đề nào.
Tạo ra content tương tác
Content tương tác (interactive content) là những nội dung kích thích độc giả bình luận, chia sẻ... Đó có thể là những câu đố, câu hỏi gợi mở, trò chơi có thưởng... khiến độc giả phải suy nghĩ, cảm thấy hứng thú và mong muốn đưa ra câu trả lời.
"Những nội dung này luôn thu hút được rất nhiều độc giả bởi họ luôn có nhu cầu thể hiện bản thân, bày tỏ quan điểm. Bạn cũng có thể tạo ra chiến dịch mà chính người đọc đóng góp nội dung", ông Phạm Minh Toàn - Chủ tịch kiêm CEO Time Universal cho lời khuyên.
Để đánh giá content trước khi đưa ra công chúng, đội ngũ marketing có thể áp dụng phương pháp "A/B Testing", hay còn gọi là "split testing". Đây là phương pháp mà hai phiên bản A và B sẽ được đưa ra so sánh trong cùng môi trường, cùng đối tượng nhằm tìm ra đâu là phiên bản hiệu quả hơn. Việc đánh giá hai phiên bản A và B cũng chính là đo lường và đánh giá tỷ lệ chuyển đổi của tiến trình đang thực hiện.
Để tăng lượng khách hàng tiềm năng, đội ngũ marketing có hai cách: một là tìm thật nhiều khách hàng đến cửa hàng, ghé thăm website hay fanpage - cách này thường tốn rất nhiều chi phí; hai là thực hiện quy trình "A/B Testing" nhằm tìm ra cách tối ưu để tiếp cận khách hàng sẽ giúp tiết kiệm chi phí hơn với hiệu quả cao hơn.
Ứng dụng công nghệ
Ông Nguyễn Huy Hoàng - CEO SMB, Yeah1 Group chia sẻ bài học kinh nghiệm từ chiến dịch marketing cho một nhãn hàng kem đánh răng có sử dụng chatbot, livestream đã cải thiện lượng tương tác rất cao, đạt hiệu quả truyền thông vượt trội. Nhãn hàng này tổ chức một cuộc thi ca hát và khách hàng tự gửi clip dự thi.
Ban tổ chức phải sử dụng công nghệ để chọn ra những bài thi chất lượng, loại bỏ những clip chưa đạt chất lượng, nhờ vậy mà tiết kiệm được thời gian, chi phí và đảm bảo chất lượng cuộc thi. "Ban đầu, chúng tôi cũng có một nhóm người phụ trách việc tuyển chọn bài thi, nhưng đến khi nhận được 46.000 bài thì sức người không còn đáp ứng được yêu cầu công việc nữa", ông Hoàng chia sẻ.
Nói cách khác, để tạo ra content thu hút độc giả, đội ngũ marketing không chỉ cần nghiên cứu insight của khách hàng, có chiến lược nội dung hấp dẫn, phù hợp xu hướng mà còn phải ứng dụng công nghệ hiện đại. Ngoài ra, công nghệ đo lường còn giúp các nhà marketing biết được cần sử dụng kênh nào để đạt hiệu quả, tạo nên câu chuyện gì, phục vụ mục đích gì cho chiến lược marketing.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!