Bill Gates tiết lộ về sai lầm lớn nhất của cuộc đời

Theo Dân trí-Thứ ba, ngày 25/06/2019 06:08 GMT+7

VTV.vn - Ít ai có thể thành công mà không gặp sai lầm và thất bại, ngay cả với người giàu thứ 2 thế giới, sở hữu khối tài sản lên đến 102,9 tỷ USD như Bill Gates.

Chia sẻ trong một buổi nói chuyện tại sự kiện do Village Global, một công ty đầu tư mạo hiểm mà Bill Gates hậu thuẫn, nhà đồng sáng lập Microsoft thừa nhận rằng sai lầm lớn nhất trong cuộc đời mình đó là để cho Google có cơ hội ra mắt nền tảng di động Android, nền tảng di động phổ biến nhất hiện nay.

"Trong thế giới phần mềm, đặc biệt là các nền tảng, người chiến thắng sẽ giành toàn bộ thị trường", Bill Gates chia sẻ tại sự kiện. "Vậy bạn biết đấy, sai lầm lớn nhất từ trước đến nay trong quá trình quản lý của tôi tại Microsoft đó là không thể trở thành như Android".

"Đây thực sự là người chiến thắng", Bill Gates ám chỉ về nền tảng Android của Google. Theo Bill Gates thì Android đã trở thành "tiêu chuẩn" cho những smartphone không phải của Apple, đồng nghĩa với việc Bill Gates xem thị trường di động hiện tại chỉ bao gồm smartphone của Apple (iPhone) và smartphone Android.

Bill Gates tiết lộ về sai lầm lớn nhất của cuộc đời - Ảnh 1.

Bill Gates tiếc nuối vì Microsoft đã không tạo ra một nền tảng di động có tầm ảnh hưởng như Android của Google

Theo Bill Gates, vào thời điểm iPhone ra mắt (2007) và sau đó một năm là Android thì Microsoft vẫn đang có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường smartphone với nền tảng Windows Mobile. Tuy nhiên vào thời điểm đó, máy tính cá nhân chạy Windows vẫn là thiết bị công nghệ không thể thiếu với mọi người nên Microsoft đã xem nhẹ tầm quan trọng của các thiết bị di động và không tập trung vào việc phát triển nền tảng di động của riêng mình.

Đến khi thị trường smartphone trở nên sôi động hơn với cuộc đua "song mã" giữa iOS và Android, Microsoft ra mắt nền tảng di động Windows Phone vào tháng 1/2010 và sau đó mua lại hãng smartphone Nokia với tham vọng có thể chen chân vào thị trường smartphone, tuy nhiên mọi chuyện đã quá muộn và giờ đây Microsoft đã rút lui khỏi thị trường smartphone vì không thể cạnh tranh với Android và iOS.

Bill Gates thừa nhận rằng sai lầm lớn nhất của mình chính là để Google ra mắt nền tảng Android và nắm lấy cơ hội trên thị trường di động trước Microsoft. Bill Gates ước tính rằng Android đã chiếm lĩnh thị trường di động trị giá 400 tỷ USD nhờ Android và nếu Microsoft tập trung tốt hơn vào thị trường smartphone, phát triển nền tảng di động tốt hơn trước khi Android ra mắt thị trường, Microsoft đã có thể nắm giữ thị trường 400 tỷ USD này.

Samsung từng có cơ hội sở hữu nền tảng Android trước Google

Một điều thú vị ít người biết đó là Android không phải là một dự án khởi đầu của Google, mà Samsung đã từng có cơ hội sở hữu nền tảng di động này.

Vào năm 2003, Andy Rubin, một kỹ sư phần mềm làm việc tại hãng sản xuất thiết bị quang học Carl Zeiss đã bắt tay xây dựng một nền tảng dành cho máy ảnh thông minh. Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng trên thị trường smartphone vào thời điểm bấy giờ, Rubin đã quyết định thay đổi dự án của mình để xây dựng một nền tảng dành cho di động.

Không lâu sau đó, Andy Rubin thành lập công ty phần mềm Danger và cho ra mắt nền tảng di động Danger OS. Sản phẩm đầu tiên sử dụng nền tảng này là chiếc smartphone Danger Hiptop (của nhà mạng T-Mobile). Đến năm 2003, với kinh nghiệm từ Danger OS, Andy Rubin quyết định rời bỏ công ty để bắt đầu dự án mới với tên gọi Android, còn Danger sau này đã được Microsoft mua lại vào năm 2009 với giá 500 triệu USD.

Trong khoảng một năm đầu tiên, Andy Rubin đã gặp rất nhiều khó khăn với dự án Android khi không có kinh phí để duy trì và phát triển, trong khi chưa có một "ông lớn" nào để mắt đến dự án này để đầu tư và hỗ trợ về tài chính.

Để tìm nguồn vốn đầu tư giúp phát triển dự án, nhóm phát triển Android, bao gồm Andy Rubin và 7 cộng sự của mình đã bay đến thủ đô Seoul (Hàn Quốc) để gặp mặt với ban lãnh đạo của Samsung, một trong những hãng sản xuất điện thoại lớn nhất vào thời điểm bấy giờ, tuy nhiên vẫn còn thua kém về thị phần đáng kể so với Nokia hay Motorola…

Trước mặt 20 vị Giám đốc cao cấp của Samsung, Andy Rubin đã trình bày ý tưởng của Android và tiềm năng của nó. Tuy nhiên, đáp lại sự nhiệt tình từ phía Andy Rubin chỉ là sự im lặng và sau đó là một sự từ chối phũ phàng.

"Về cơ bản họ đã cười chúng tôi và không tin tưởng vào những gì chúng tôi đã thực hiện, bởi nhóm chúng tôi chỉ bao gồm 7 người", Andy Rubin hồi tưởng lại về lần gặp mặt ban lãnh đạo Samsung. "Chuyện này xảy ra chỉ 2 tuần trước khi Google mua lại chúng tôi".

Sau khi thất bại trong cuộc gặp mặt với lãnh đạo Samsung, đầu năm 2005, nhà đồng sáng lập và Chủ tịch của Google Larry Page đã chấp nhận gặp mặt Andy Rubin. Sau khi nghe trình bày về tiềm năng và ý tưởng phát triển Android, Larry Page đã không ngần ngại chi tiền để mua lại công ty Android.

Android vào thời điểm đó vẫn là một công ty non trẻ và chưa có sản phẩm thực tế nào, với 8 người trong đội ngũ phát triển, đã khiến Google không ngần ngại chi đến 50 triệu USD để mua lại. Và đây có lẽ là một trong những quyết định sáng suốt và thương vụ thành công nhất của Google cho đến ngày hôm nay, khi Android đang giúp "gã khổng lồ tìm kiếm" thống trị trên thị trường di động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước