Google đang phải đối mặt với những cuộc thăm dò và cáo buộc độc quyền trên toàn thế giới (Ảnh: AFP)
Phán quyết đanh thép của tòa án Mỹ
Ngày 5/8/2024, Thẩm phán Amit P. Mehta của Tòa án quận Columbia đưa ra phán quyết rằng, Google đã hoạt động bất hợp pháp để duy trì sự độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến. Trong phán quyết dài 277 trang, Thẩm phán Amit P. Mehta kết luận: "Sau khi xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng lời khai và bằng chứng của nhân chứng, tòa án đưa ra kết luận Google là một nhà độc quyền và họ đã hành động để duy trì sự độc quyền của mình".
Trước đó, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) và các bang đã đệ đơn kiện Google, cáo buộc công ty này củng cố vị trí thống trị của mình một cách bất hợp pháp bằng cách trả cho các công ty khác, như Apple, Samsung và Mozilla, hàng tỷ USD mỗi năm để trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên điện thoại và trình duyệt web của họ. Theo ước tính của Bộ Tư pháp Mỹ, với cách thức này, Google đã dễ dàng chiếm 90% thị phần tìm kiếm trên website và được hưởng lợi cả về doanh thu lẫn thu thập dữ liệu.
"Google nhận được hàng tỷ truy vấn mỗi ngày thông qua các điểm truy cập mặc định. Họ thu thập khối lượng dữ liệu người dùng khổng lồ từ các tìm kiếm như vậy và sau đó sử dụng chúng để cải thiện chất lượng truy vấn", thẩm phán cho biết.
Google bị Tòa án liên bang Mỹ phán vi phạm luật chống độc quyền (Ảnh: AP)
Vụ kiện với Google được Bộ Tư pháp Mỹ khởi xướng từ năm 2020. Đây được đánh giá là vụ khởi kiện đầu tiên của cơ quan này với một hãng công nghệ, kể từ sau vụ kiện tập đoàn Microsoft hồi thập niên 1990 về hành vi độc quyền liên quan đến hệ điều hành Windows.
"Vô số nhà quảng cáo phải trả phí cho Google để xuất hiện trong kết quả tìm kiếm. Người tiêu dùng Mỹ buộc phải chấp nhận các chính sách về quyên riêng tư và việc sử dụng dữ liệu cá nhân của Google và các công ty có mô hình kinh doanh sáng tạo không thể thoát ra khỏi cái bóng quá lớn của Google", đơn kiện nhằm vào Google cho biết.
Vụ kiện là một phần trong chiến dịch của Chính phủ Mỹ nhằm kiểm soát các tập đoàn công nghệ lớn như Apple, Alphabet - công ty mẹ của Google, Meta Platforms - công ty mẹ của Facebook, Amazon... Đây được xem là chiến thắng lớn đầu tiên của chính quyền liên bang Mỹ trong cuộc chiến chống lại sự thống trị của Big Tech. Phán quyết cũng mở đường cho phiên tòa thứ hai nhằm xác định các giải pháp khắc phục, trong đó có thể bao gồm việc chia tách Google khỏi Alphabet.
Google sẽ kháng cáo
Phản hồi về phán quyết của tòa, đại diện Google cho biết, họ "đánh giá cao phán quyết của tòa rằng Google là công cụ tìm kiếm chất lượng hàng đầu". Alphabet, công ty mẹ của Google, cho biết họ sẽ kháng cáo, đồng thời khẳng định những gì đang làm là "tập trung vào việc tạo ra những sản phẩm mọi người thấy hữu ích và dễ sử dụng".
Trước đó, sau khi đơn kiện được đưa ra, phía Google đã phủ nhận mọi cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ. Công ty nhấn mạnh rằng, việc Google chiếm thị phần lớn trên thị trường tìm kiếm là nhờ sự lựa chọn và tin tưởng từ phía người dùng: "Mọi người sử dụng Google vì họ lựa chọn, không phải vì họ bị ép buộc hay vì họ không tìm được các giải pháp thay thế".
Google khẳng định, người dùng vẫn có nhiều sự lựa chọn về công cụ tìm kiếm từ các hãng khác như Bing của Microsoft, Yahoo Search hay Amazon. Việc Google đạt lợi thế dẫn đầu ở lĩnh vực này là đến từ khả năng cải tiến công cụ của công ty nhờ dữ liệu và thói quen tìm kiếm của khách hàng.
Ảnh hưởng từ phán quyết của Tòa án liên bang Mỹ
Phán quyết của Tòa án liên bang Mỹ có thể gây ra tác động lớn đến thành công của Google, đặc biệt là khi công ty đã chi mạnh tay để cạnh tranh trong cuộc đua về trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện tại, Google đang phải đối mặt với một vụ kiện chống độc quyền liên bang khác về công nghệ quảng cáo, dự kiến sẽ được đưa ra xét xử vào tháng tới. Bên cạnh đó, gã khổng lồ tìm kiếm cũng đang phải đối mặt với sự giám sát chống độc quyền tại châu Âu - nơi công ty bị cáo buộc phá hoại các đối thủ trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến.
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng, Google chiếm tới 90% thị phần tìm kiếm trên website và hưởng lợi cả về doanh thu lẫn thu thập dữ liệu (Ảnh: AP)
Một số chuyên gia dự đoán rằng, phán quyết sẽ buộc Google phải tung ra một công cụ tìm kiếm mới chất lượng hơn và mở hơn so với hiện tại. Công cụ đó sẽ không có quảng cáo hoặc được thiết kế riêng cho các đối tượng như trẻ em, người thường xuyên theo dõi tin tức hay người hâm mộ trong một lĩnh vực nào đó. Dĩ nhiên, công cụ tìm kiếm mới có thể sẽ không còn miễn phí như hiện tại.
Để làm điều này, Google sẽ phải cho phép các công ty khác tiếp cận công nghệ hoặc dữ liệu cần thiết để tạo ra các công cụ tìm kiếm chuyên biệt giống như Google nhưng không còn thuộc về Google.
Các nhà phân tích Phố Wall cho rằng, một trong những giải pháp tiềm năng có thể giúp Google tránh được các hành động chống độc quyền đến từ các nhà chức trách là chấm dứt thỏa thuận với Apple. Để hưởng đặc quyền là công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của Apple, Google được cho là đã phải trả cho Táo khuyết 20 tỷ USD hàng năm, tương đương khoảng 36% số tiền mà gã khổng lồ tìm kiếm thu được từ quảng cáo trên trình duyệt Safari. Các nhà phân tích ước tính, nếu thỏa thuận bị hủy bỏ, nhà sản xuất iPhone có thể sẽ phải chịu mức giảm 4 - 6% lợi nhuận.
Cách đây không lâu, Apple đã thông báo sẽ đưa chatbot ChatGPT của OpenAI vào các thiết bị của mình. Công ty cho biết, họ cũng đang đàm phán với Google để bổ sung chatbot Gemini và có kế hoạch bổ sung các mô hình AI khác. Trong khi đó, Apple cũng đang cải tiến trợ lý ảo Siri với các tính năng AI, giúp tăng khả năng tương tác và trải nghiệm với người dùng.
Các ông lớn "đứng ngồi không yên"
Ngoài vụ kiện chống lại Google, đầu năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ và một số tiểu bang cũng đã đệ đơn kiện Apple với cáo buộc rằng hệ sinh thái iPhone của công ty vi phạm luật chống độc quyền, gây bất lợi cho người tiêu dùng, nhà phát triển và các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác. Theo cáo buộc, Apple đã thực hiện nhiều hành vi khiến người dùng phải phụ thuộc nhiều hơn vào những chiếc iPhone của họ. Cụ thể, Táo khuyết đã áp đặt các hạn chế "có chọn lọc" trong hợp đồng đối với các nhà phát triển và từ chối những cách truy cập quan trọng vào điện thoại để ngăn chặn phát sinh sự cạnh tranh.
Trong khi đó, Amazon bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền, gây tổn hại cho người tiêu dùng khi khiến họ phải mua hàng với giá cao. Đơn kiện do 17 tổng chưởng lý bang đứng đơn, tiếp nối cuộc điều tra kéo dài 4 năm về hoạt động kinh doanh của Amazon.
Theo đơn kiện, Amazon bị cáo buộc đã sử dụng các điều khoản hợp đồng để ngăn người bán hàng bên thứ ba và người bán chào giá sản phẩm thấp hơn giá đăng trên Amazon. Ngoài ra, đơn kiện cũng cho rằng, Amazon đã thay thế các kết quả tìm kiếm có liên quan bằng quảng cáo được trả phí, hướng đến các thương hiệu của riêng nhà bán lẻ này thay vì những lựa chọn có giá thành và chất lượng cạnh tranh hơn.
Phán quyết của Tòa an liên bang Mỹ khiến các Big Tech không khỏi lo lắng (Ảnh: AP)
Phán quyết của Tòa án liên bang Mỹ là một quyết định mang tính bước ngoặt khi nhằm vào quyền lực của những gã khổng lồ công nghệ trong kỷ nguyên Internet hiện nay. Mặc dù các hãng công nghệ lớn có thể không vội vàng thay đổi mô hình kinh doanh, tuy nhiên, phán quyết có thể khiến họ thận trọng hơn trong các phi vụ mua lại.
Phán quyết của Tòa án liên bang Mỹ đối với Google khiến các ông lớn công nghệ khác không khỏi lo lắng. Đây được coi là phán quyết chống độc quyền lớn nhất đối với Big Tech, có khả năng ảnh hưởng đến các vụ kiện chống độc quyền khác của Chính phủ Mỹ chống lại Apple, Amazon và Meta.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!