Trong diễn đàn Toàn cảnh thương mại điện tử 2017 diễn ra vào tháng 2 vừa rồi, hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) đã dự đoán quy mô TMĐT tại nước ta có thể đạt 10 tỷ USD vào năm 2020, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 22% mỗi năm. Đây là con số khả quan và có thể đạt được cho thị trường dân số 92 triệu người trong đó 28% đã tham gia mua sắm trực tuyến, với mức chi tiêu 160 USD/người/tháng, chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ. Tuy nhiên, theo thống kê, tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên tổng giao dịch TMĐT vẫn còn rất thấp, đạt 5% vào năm 2014 và tăng nhẹ lên 7% năm 2015.
Thực trạng ưa thích dùng tiền mặt để thanh toán COD đi ngược với xu thế chung trên toàn cầu khuyến khích giao dịch qua thẻ hoặc ngân hàng trực tuyến. Để giải quyết bài toán này yêu cầu sự chung tay của nhiều đơn vị trong mảng tài chính cũng như thương mại điện tử. Về phía ngân hàng, đó là nỗ lực khuyến khích hành vi thanh toán qua thẻ tín dụng hoặc internet banking. Về phía các nền tảng thương mại điện tử, đó là tạo ra phương thức kỹ thuật thanh toán thuận lợi và an toàn cho người dùng khi tiến hành giao dịch trực tuyến.
Trong quá trình này, sự bắt tay giữa các ngân hàng và sàn thương mại điện tử là một hướng đi tất yếu của thị trường. Lấy ví dụ từ tháng 4 đến hết tháng 6/2017, VPBank, LienVietPostBank và Sacombank đồng loạt bắt tay cùng kênh mua bán trực tuyến Shopee tung ra các chương trình ưu đãi khuyến khích thanh toán trực tuyến khi mua hàng online. Mỗi ngân hàng lại có hình thức khuyến khích giao dịch khá khác nhau.
Có thể thấy đây là thời điểm hợp lý để các ngân hàng tìm kiếm sự hợp tác với các cộng đồng lớn, mở rộng lượng người dùng đồng thời khuyến khích giao dịch trực tuyến thông qua thương mại điện tử. Trong đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam mới đây của Chính phủ, kỳ vọng đến năm 2020, Việt Nam sẽ giảm mức giao dịch tiền mặt xuống dưới 10%.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!